Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều số doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc (38,1%), Thái Lan (49%), Malaysia (44,6%), Indonesia (51,9%)…
Báo cáo cũng cho biết, số doanh nghiệp trả lời hoạt động có lãi tại Việt Nam là 58,8%, số doanh nghiệp hoạt động lỗ là 26,2%.
Lý do các doanh nghiệp Nhật Bản xác định Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng, tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là tăng doanh thu, báo cáo của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho biết.
Cụ thể, có 85% doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng sẽ tăng doanh thu, 50% doanh nghiệp khảo sát tin tưởng khả năng tăng trưởng và tiềm năng phát triển khi mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, so sánh về lợi thế môi trường đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam đứng thứ 3 trong số 15 quốc gia về chi phí nhân công giá rẻ.
57,7% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho rằng chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ, 54,9% đánh giá cao tình hình chính trị - xã hội ổn định, 23,8% cho rằng môi trường sống cho nhân viên thường trú tốt, 7,7% cho rằng rào cản ngôn ngữ khi đầu tư tại Việt Nam là không đáng kể.
Cuộc khảo sát này của JETRO được tiến hành tại 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 557 doanh nghiệp đưa ra câu trả lời hợp lệ, đạt tỷ lệ 54,2%.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết, với xu hướng già hóa dân số tại Nhật Bản hiện nay, những năm tới đây, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Mặc dù có nhiều điểm hấp dẫn để đầu tư và mở rộng đầu tư, nhưng khi đánh giá mức độ rủi ro đầu tư tại Việt Nam, báo cáo của JETRO cho biết, có tới 63,3% doanh nghiệp Nhật cho rằng rủi ro lớn nhất là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch; 61,1% doanh nghiệp gặp rủi ro với thủ tục hành chính, cấp phép phức tạp; 53,9% doanh nghiệp gặp rủi ro với cơ chế, thủ tục thuế phức tạp.
Đáng nói là qua khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2015, thì cả ba chỉ số rủi ro đầu tư tại Việt Nam trên có xu hướng tồi hơn so với năm 2014.
Theo đánh giá của JETRO, trong năm 2015, dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc ban hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chưa cảm nhận được nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ vì vẫn thiếu hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định và thông tư.
Ngoài ra, việc thực thi các chính sách ưu đãi không nhất quán giữa các địa phương trên cả nước cũng gây khó cho nhà đầu tư.