Doanh nghiệp vàng muốn bỏ giấy phép con
Ngày 30-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết thời gian qua, các giải pháp bình ổn thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế được Ngân hàng (NH) Nhà nước áp dụng đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, qua giai đoạn mới, thị trường vàng - nhất là vàng trang sức mỹ nghệ - phải theo cơ chế thị trường chứ không thể siết chặt mãi. Hiện nay, có quá nhiều giấy phép con áp dụng đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Bị “trói tay”
Trước đó, VGTA đã gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các giấy phép con trong lĩnh vực vàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, rà soát các quy định điều kiện kinh doanh theo Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014 và chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết 35/NQ-CP.
Tại văn bản này, VGTA cho rằng Thông tư 16/2012 và Thông tư 38/2016 của NH Nhà nước ban hành nhằm triển khai Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, DN phải đăng ký địa điểm chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NH Nhà nước xem xét. Đồng thời, mỗi lần điều chỉnh địa điểm lại phải xin phép NH Nhà nước, trong khi các tiêu chí xem xét không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo thủ tục hành chính, gây khó cho DN.
Theo nhiều DN kinh doanh vàng, khi DN được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng đồng nghĩa tất cả chi nhánh, địa điểm kinh doanh trực thuộc không phải xin phép mà chỉ cần làm thông báo tăng mạng lưới để tránh “đẻ” thêm giấy phép con. “Từng địa chỉ mua bán vàng miếng cũng phải đăng ký với NH Nhà nước gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian cho DN, trong khi kinh doanh thuận lợi hay ế ẩm lại do thị trường quyết định” - ông Long nhìn nhận.
Trong điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng, VGTA cho rằng Nghị định 24/2012 đã yêu cầu giấy xác nhận nộp thuế của cơ quan thuế nhưng Thông tư 38/2016 vẫn yêu cầu phải có thêm “báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó” là phát sinh thêm thủ tục. Với hồ sơ cấp giấy phép sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, Thông tư 38/2016 cũng yêu cầu thêm “bản kế hoạch dự kiến thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ” vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo VGTA là không phù hợp. Các tiêu chí xét duyệt hồ sơ cũng không rõ ràng thế nào là đạt, dễ phát sinh nguy cơ thiếu minh bạch đối với DN.
Muốn được bình đẳng
Một trong những kiến nghị của VGTA tới Thủ tướng Chính phủ là vốn tín dụng cho DN vàng trang sức mỹ nghệ. Ông Nguyễn Thành Long cho rằng vàng trang sức mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành. Nếu NH Nhà nước hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 35/NĐ-CP về hỗ trợ và phát triển DN.
Trước đó, theo quy định trong các thông tư của NH Nhà nước, DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của thống đốc. “Hơn 4 năm qua, chưa DN nào được vay vốn từ NH thương mại để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Cơ quan quản lý cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình thống đốc xin vay vốn” - ông Long nêu rõ.
Theo Luật Đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nếu những thông tư không được nâng cấp lên thành nghị định thì sau ngày 1-7 sẽ hết hiệu lực thi hành.
“Một số ngành nghề kinh doanh khác có rủi ro cũng được tiếp cận vốn tín dụng, trong khi DN vàng trang sức không được vay vốn là chưa công bằng. Khi vay vốn, các NH thương mại sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của DN vàng trang sức để cấp tín dụng nên hiệp hội mong muốn DN trong ngành được “trả về thị trường” - ông Long kiến nghị.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM Nguyễn Văn Dưng nhìn nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ của các DN thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn và bị trói buộc bằng những cơ chế, chính sách không thuận lợi như những ngành khác. Đây chỉ là một ngành giống như kinh doanh các loại hàng hóa thông thường nhưng DN lại không được tạo điều kiện phát triển tương xứng.
Ngay việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, theo các DN vàng, nhu cầu của thị trường Việt Nam mỗi năm khoảng 15-20 tấn không phải quá lớn để gây xáo trộn nền kinh tế. Tuy nhiên, suốt 4 năm qua, do không được cấp phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đã khiến cả ngành vàng ở vào thế “chông chênh”, phải mua nguyên liệu trôi nổi, thậm chí cả nguyên liệu vàng không hợp pháp để sản xuất.
Một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng quy mô thị trường vàng trang sức của Việt Nam rất lớn nhưng thiếu môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN phát triển tương xứng. Trong khi đó, trang sức Việt đang phải cạnh tranh gay gắt trên sân nhà và khi hội nhập với các hiệp định thương mại, trang sức ngoại tràn vào.
“Nếu không có chiến lược phát triển ngành trang sức theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ, thị trường vàng nữ trang Việt Nam trong tương lai có nguy cơ phải “nhường sân” cho hàng ngoại” - vị này lo ngại.
Chiều 30-6, một lãnh đạo NH Nhà nước cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của VGTA và đã chuyển cho các vụ, cục chức năng để rà soát các quy định theo đúng luật, trình Thống đốc và Thủ tướng xem xét. Theo vị này, những kiến nghị của VGTA mới chỉ từ phía các DN nên NH Nhà nước sẽ nghiên cứu quy định để trả lời trong thời gian sớm nhất.