Dồi dào hàng Tết
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thu nhập của người dân Hà Nội trong năm 2015 tăng khoảng 7% so với năm 2014. Do đó, sức mua trên thị trường sẽ tăng, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng có nhu cầu lớn trong dịp Tết.
Doanh nghiệp cam kết giữ giá hàng Tết ổn định
Nhu cầu tăng nhẹ
Đại diện của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dự trữ phục vụ Tết Bính Thân 2016 của doanh nghiệp ước tăng khoảng 5% so với Tết năm ngoái. Hàng dự trữ là hàng Việt Nam chất lượng cao được khai thác từ 3 nguồn chính là: hàng được cung cấp bởi doanh nghiệp lớn có uy tín trên thị trường; hàng do các công ty thành viên của Hapro sản xuất (giò, chả, rượu, thịt nguội, bánh chưng...) và các mặt hàng mà Hapro làm tổng đại lý cấp 1 như: dầu ăn, đường, gạo, điện máy.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải cung ứng hàng hóa đảm bảo đủ tem mác, nguồn gốc xuất xứ; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đội ngũ nhân viên mặc đồng phục, đeo phù hiệu đúng quy định, có thái độ lịch sự, văn minh khi tiếp xúc với khách hàng; khâu thanh toán phải nhanh gọn, chính xác” - đại diện Hapro nói.
Thông tin từ BigC cũng cho hay, ước tính tổng lượng hàng hóa chuẩn bị Tết năm nay tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đạt 430 tấn, 2.500 tấn rau củ quả (tăng hơn 10% so với Tết Ất Mùi, tăng gần 20% so với các tháng thông thường). Đại diện truyền thông BigC cho biết: “Do người tiêu dùng đang e ngại với thực phẩm không an toàn nên trong dịp Tết, công tác giám sát, kiểm nghiệm hàng được BigC thực hiện triệt để tại nguồn, tại kho và kiểm tra ngẫu nhiên tại siêu thị; thắt chặt công tác cung ứng, ưu tiên lấy hàng từ những nhà cung cấp có chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt chuẩn Việt Gap”.
Không để giá tăng bất thường
Trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm, giá cả thị trường thường có xu hướng biến động đối với các mặt hàng tiêu thụ mạnh, nhất là vào những tuần lễ ngay trước Tết do sức mua tăng và nguồn cung có thể không ổn định. Dự báo được tình huống này, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bên cạnh việc tổ chức hàng hóa dồi dào trong hệ thống bán lẻ, những năm gần đây còn đưa hàng đến vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, tổ chức nhiều gian hàng lưu động để hạn chế tình trạng thiếu hàng cục bộ, gây “sốt” giá.
Hapro cho biết, đơn vị cam kết xây dựng mức giá bán hợp lý, bám sát giá thị trường tại cùng thời điểm đối với các mặt hàng được tạm ứng vốn và thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký giá với Sở Tài chính theo quy định, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết. Để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, BigC cam kết “Khóa giá” từ 15-12-2015 đến 7-2-2016.
Trong suốt thời gian này, BigC sẽ niêm yết giá không đổi với hơn 90% hàng hóa tại siêu thị, gồm tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (ngoại trừ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa) và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng.
Theo dự báo của Sở Công Thương, các mặt hàng thực phẩm tươi sống dịp Tết tăng từ 5-10%, thực phẩm chế biến tăng trên 10% và rau củ quả có thể tăng giá đến 20%. Tuy nhiên, giá hàng Tết ít có khả năng tăng đột biến do nguồn cung hàng dồi dào, hệ thống phân phối hàng được mở rộng về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân.