Đón đầu cơ hội từ TPP, ngành xuất khẩu tôm Việt Nam chủ động "chuyển mình"

Với chính sách cam kết xóa bỏ thuế quan, Hiệp định TPP dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Đón đầu lợi thế này, ngành nuôi tôm Việt Nam đã tự chủ động thay đổi để sẵn sàng hội nhập ngay từ khi Hiệp định TPP chưa được ký kết.

Ghi nhận tại một công ty nuôi trồng thủy sản cho thấy, 2 vụ trở lại đây, 200 hecta ao nuôi tôm của đơn vị này đã chuyển đổi qua nuôi bằng trải bạt đáy thay vì nuôi ao tự nhiên như trước đây, chi phí đầu tư tăng lên 6 lần. Tiêu chuẩn cho ao nuôi cũng áp dụng theo tiêu chuẩn Global Gap và ASC, những tiêu chuẩn cao nhất về nuôi trồng thủy sản.

Với thay đổi trên, doanh nghiệp tự tin vượt qua mọi rào cản kĩ thuật hay truy xuất nguồn gốc chất lượng con tôm từ các nước trong khối TPP.

Không chỉ thay đổi từ vùng nuôi, sản phẩm xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp chủ động thay đổi. Từ 2 năm nay, đơn vị trên đã chuyển qua làm các sản phẩm tinh chế từ con tôm như tôm tẩm bột, shushi thay vì chỉ chế biến thô rồi xuất khẩu như trước đây. Sản phẩm tinh chế hiện đã chiếm 80% giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

Cũng theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, sản phẩm tinh chế sẽ là sản phẩm chính từ xuất khẩu tôm đi các nước trong khối Hiệp định TPP. Việc chế biến sản phẩm tinh chế tiết kiệm được khoảng 40% lượng nguyên liệu, giá bán cao hơn 40 - 50% nên lợi nhuận thu sẽ nhiều hơn. Sản xuất hàng tinh chế còn hạn chế được lượng chất thải nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một yếu tố rất quan trọng khi gia nhập TPP.

Hiện các nước trong khối TPP đang chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Và với những chính sách thuận lợi thương mại sẽ thay đổi trong lộ trình của TPP thì Việt Nam hi vọng sản lượng xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh hơn từ 10 - 20% so với hiện tại và là bước đệm nâng ngành nuôi tôm Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Bình luận của bạn