Đường vào Mỹ của cá tra sau năm 2017
Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ sẽ đưa đến những thay đổi gì và thách thức nào đối với ngành cá tra Việt Nam sau năm 2017? TBKTSG trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp: ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) và ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng.
TBKTSG: Đạo luật Nông trại của Mỹ (thiết lập quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến đối với các loài cá da trơn nhập khẩu theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng, trong đó có cá tra và cá ba sa của Việt Nam) đã được phía Mỹ ban hành từ tháng 2-2014. Từ đó đến nay, vì sao chúng ta không chủ động chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ mà đợi đến khi Mỹ đưa ra mốc thời gian thực thi cuối cùng là vào năm 2017 thì lại than khó khăn?
- Ông Trương Đình Hòe: Theo quan điểm của tôi, cá tra Việt Nam sản xuất để bán đi quốc tế và mình đã đạt các tiêu chuẩn liên quan mà quốc tế đã quy định rồi, chẳng hạn như vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý vùng nuôi... Mình tuân thủ và theo các chuẩn mực quốc tế quy định, chứ đâu phải do mình tự đặt ra được, nghĩa là nước nhập khẩu yêu cầu tiêu chuẩn nào, thì mình - người sản xuất và xuất khẩu - mới đáp ứng đúng như vậy.
Bây giờ, với Luật Nông trại của Mỹ, đúng là nó đã được đề cập từ rất lâu, nhưng họ chưa đưa ra tiêu chuẩn hay những quy định cụ thể, thì sao chuẩn bị ngay từ đầu được? Dù quy định mới là gì thì họ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của quốc tế, chứ đâu thể muốn đặt ra cái gì là đặt.
Còn vấn đề của Việt Nam, không thể nói 18 tháng (18 tháng chuyển tiếp kể từ khi quy định mới có hiệu lực là tháng 3-2016 - PV) là đủ hay thiếu, dài hay ngắn. Biết đâu ngày mai mình đạt được luôn thì sao, bởi Việt Nam đã áp dụng những chuẩn mực quốc tế từ lâu và đã xuất khẩu ra cả trăm thị trường chứ không chỉ riêng thị trường Mỹ.
Quy định trong Luật Nông trại là của Mỹ và áp dụng ở Mỹ, nhưng trong đó có một phần liên quan đến Việt Nam là bắt buộc chúng ta phải chứng minh hệ thống sản xuất và xuất khẩu phải tương đương hệ thống của Mỹ. Nếu chỉ xét về yếu tố kỹ thuật, mình có thể đáp ứng được, nhưng về mặt bảo hộ, nếu Mỹ không muốn cá tra vào, họ nói không tương đương thì mình cũng phải chịu thôi.
Mặt khác, trước đây Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chỉ kiểm tra ở nhà máy thôi, còn bây giờ chuyển sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thì áp dụng cả chuỗi sản xuất. Như vậy, đây không phải là câu chuyện của một mình doanh nghiệp chế biến nữa.
- Ông Nguyễn Văn Đạo: Trước đây, phía Mỹ chỉ mới có ý định giám sát như thông tin mới được công bố đây thôi, chứ chưa triển khai, cho nên doanh nghiệp đâu biết Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn hay quy định gì và do lúc đó mình đang đấu tranh, thậm chí bây giờ cũng phải tiếp tục đấu tranh nên đâu thể chuẩn bị ngay từ đầu được.
TBKTSG: Luật Nông trại đặt ra quy định gì cho doanh nghiệp và liệu phía Việt Nam có đáp ứng được với quy định như vậy hay không?
- Ông Võ Hùng Dũng: Bây giờ còn quá sớm để nói về Luật Nông trại, nhưng theo công bố của USDA thì sẽ thực hiện từ tháng 3-2016 và có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng. Hai vấn đề chính của luật này là: thứ nhất, USDA sẽ kiểm tra 100% sản phẩm, chứ không như FDA trước đây là 1%; thứ hai nữa là sẽ áp dụng kỹ thuật sản xuất tương đương mà USDA ban hành để nhà sản xuất trong nước áp dụng và nhà sản xuất ở nước ngoài bán vào Mỹ cũng phải đạt như vậy.
Theo tôi, Luật Nông trại là một vấn đề rất khó đối với ngành cá Việt Nam vì, thứ nhất, giữa nền sản xuất của Mỹ và Việt Nam có sự khác biệt; thứ hai, nếu đây là nhằm cản trở nhập khẩu cá tra vào Mỹ, thì cho dù kỹ thuật, tiêu chuẩn chúng ta tốt, hệ thống có tương đương với Mỹ đi nữa, nhưng họ đánh giá, nói không tương đương thì cũng không làm gì được.
- Ông Trương Đình Hòe: Hôm 8-12 vừa qua, chúng tôi tổ chức một hội thảo với sự trình bày của ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ, về một số vấn đề liên quan đến nội dung của luật này. Đối tượng tham dự là các doanh nghiệp, cho nên cơ bản doanh nghiệp đã nắm được rồi.
Còn chuyện có đáp ứng được không, tôi nghĩ người ta làm được thì mình sẽ làm được, nhưng vấn đề là nó sẽ tốn bao nhiêu tiền thôi. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng do đây là chuyện mới nên doanh nghiệp chưa quen, có thể “lớ ngớ” một chút trong thời gian đầu nhưng rồi sẽ quen thôi.
- Ông Nguyễn Văn Đạo: Từ xưa đến nay, Mỹ đang “tròng” mình vô cái luật chống bán phá giá dưới sự giám sát của FDA để họ bảo hộ sản xuất trong nước. Nhưng, hiện nay họ “tròng” mình vào thêm một bộ luật nữa do USDA giám sát là Luật Nông trại. Luật này bắt buộc hệ thống từ sản xuất đến xuất khẩu của mình phải tương đương hệ thống của Mỹ nhưng cụ thể điều kiện nào tương đương với Mỹ thì họ chưa triển khai, mình chưa biết. Tuy nhiên, phải thừa nhận là để điều kiện về nuôi trồng, chế biến của Việt Nam tương đương với Mỹ thì rất... khó.
Còn chuyện thực hiện, nói chung về mặt nguyên tắc người ta yêu cầu thì bắt buộc mình phải làm và hy vọng lần này mình cũng sẽ vượt qua được. Từ xưa đến nay, thị trường nào cũng có rào cản nhưng mình đều vượt qua hết. Vấn đề là cần phải có thời gian.
TBKTSG: Vậy Việt Nam cần làm gì để ứng phó với luật mới này của Mỹ?
- Ông Võ Hùng Dũng: Đương nhiên chúng ta phải phản đối thôi, từ cấp Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao nên có thư để phản đối với phía Mỹ rằng làm như vậy là vi phạm cam kết WTO, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí trong phản đối có thể tính đến chuyện kiện Mỹ. Chúng ta cũng nên có cách thức dựng rào cản đối với Mỹ trong việc nhập khẩu nguyên liệu trong ngành chăn nuôi và ngay cả thịt bò, bởi vì trong thương mại, chuyện trả đũa là bình thường. Anh áp cái việc gì đó với chúng tôi thì chúng tôi cũng có biện pháp ngăn sản phẩm của anh, đó là cái hướng chúng ta nên nghĩ đến.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải tính đến việc nâng cấp sản xuất trong nước, việc này không phải chỉ đối phó với Luật Nông trại mà thật sự nền sản xuất chúng ta cũng có vấn đề, chúng ta kêu ca rất nhiều từ chuyện mạ băng, hàm ẩm đến chuyện vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta phải có thảo luận sâu hơn với phía Mỹ về các tiêu chuẩn họ đặt ra trong luật Nông trại. Ví dụ, với việc họ ban hành tiêu chuẩn đó, thì Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thảo luận tiêu chuẩn đó như thế nào và lộ trình thực hiện ra làm sao để giảm bớt khó khăn cho ngành cá tra.
TBKTSG: Chúng ta cũng không loại trừ một kịch bản xấu có thể xảy ra, tức là xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm, thậm chí không vào được thị trường Mỹ sau năm 2017. Ứng phó với tình huống này như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Đạo: Chắc chắn là trong thời gian đầu, khi Mỹ áp dụng luật này, mình sẽ bị “bầm dập”, sẽ bị “khựng” lại ở thị trường Mỹ vì điều kiện giữa hai nước có một khoảng cách lớn. Nhưng về nguyên tắc, thị trường khác sẽ bổ sung.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, từ xưa đến nay, cá tra Việt Nam đi châu Âu và Mỹ là chủ lực và mỗi thị trường chiếm khoảng 20% tỷ trọng toàn ngành. Đối với Mỹ, xưa giờ họ dựng rào cản đối với Việt Nam bằng thuế chống bán phá giá nên ta đã gặp khó rồi. Còn với châu Âu, do kinh tế trì trệ, đồng euro mất giá nên trong năm 2015, việc xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm. Xuất khẩu cá tra đã xoay sang thị trường Trung Quốc dù chịu rất nhiều rủi ro trong thanh toán.
Với tình hình bất lợi tại hai thị trường lớn, chắc chắn Trung Quốc sẽ có “bài” mới để chèn ép ta thôi, có điều chưa biết đó là “bài” gì. Nói chung là tình hình chung sắp tới sẽ tiếp tục khó khăn.
- Ông Trương Đình Hòe: Nếu nói như vậy thì đợi 18 tháng tới (hết 18 tháng chuyển tiếp - NV) tập trung xuất sang thị trường Trung Quốc đi, chứ cần gì lo chuyện đáp ứng thị trường Mỹ nữa.
Mình còn thời gian chứ không phải ngày mai Mỹ thực hiện luật mới liền mà nói chuyện đi chuyển hướng thị trường. Chiến lược thị trường là chiến lược thường xuyên của doanh nghiệp chứ đâu phải khi “kẹt” chỗ này mới chuyển hướng thị trường ra chỗ khác. Thông thường, theo chiến lược thị trường thì doanh nghiệp thấy thị trường nào đó tốt thì họ sẽ đưa hàng qua.
TBKTSG: Vậy bài toán cho doanh nghiệp cá tra trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào sân chơi chung là phải thay đổi và sẵn sàng thay đổi để ứng phó với những biến động liên tục của thị trường?
- Ông Trương Đình Hòe: Quá trình vận động phải là quá trình liên tục cập nhật cái mới, chứ không chỉ riêng chuyện của Mỹ. Ví dụ, châu Âu cứ một thời gian lại ra quy định này, quy định kia, đương nhiên anh muốn bán cho người ta, thì anh phải hiểu biết luật chơi để đáp ứng.
Cái quyền lớn nhất của doanh nghiệp là quyền “nói không”, nhưng đó là khi anh không muốn bán nữa, chứ nếu còn nhắm tới một thị trường nào đấy thì phải đáp ứng những quy tắc của thị trường đó. Tự thân doanh nghiệp phải tìm hiểu để đáp ứng đòi hỏi của thị trường chứ đâu ai có thể cầm tay chỉ việc phải làm thế này thế kia được.
Ở góc độ hiệp hội, mình chỉ tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, trên cơ sở đó xem họ cần cái gì thì kiến nghị chính sách. Cho nên, cũng đừng nói rằng doanh nghiệp phải thay đổi thích ứng gì cả, mà khi anh ra kinh doanh thì anh phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của thị trường, nếu không sẽ không tồn tại được.