GDP giảm tốc, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm gần 53%
Theo đó, trong quý 1, GDP cả nước tăng 5,46%, giảm tốc so với mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng ngành xây dựng
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại là do kinh thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam cũng phải chịu nhiều bất lợi.
Đặc biệt, theo ông Lâm, tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, ngành nông lâm thủy sản giảm tới 1,23%. Do ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 2,69%, nên mức tăng trưởng 6,24% và 2,12% của ngành lâm nghiệp và thuỷ sản cũng không thể bù đắp được mức sụt giảm của ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp giảm sút là do sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long ước giảm khoảng 700.000 tấn so với cùng kỳ, sản lượng cây trồng vụ đông ở miền Bắc đạt thấp.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6,72%, thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ngành xây dựng 3 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,44% - cao nhất kể từ năm 2010. Một số ngành có sản lượng suy giảm là thuốc lá điếu, vải, dệt, sợi tổng hợp, điện thoại di động...
Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,13% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý 1/2012 tới nay. Các hoạt động bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, ôtô xe máy... cũng có mức tăng nhẹ.
Kinh tế thế giới khó lường
Tuy nhiên, cùng với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất - nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh 4,8% so với cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 5,7%, khu vực kinh tế trong nước giảm 3,5%.
Xuất nhập khẩu tăng chậm, giá trị xuất khẩu hàng hoá chỉ tăng 4,1%, trong đó kim ngạch xuất khẩu dầu thô - nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước - giảm 52,8%.
Tổng cục Thống kê cho biết, quý đầu năm 2016 là khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2016 - 2020. Kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khả quan.
Trong đó, biểu hiện rõ nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại phát triển.
Tuy vậy, kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 theo dự báo vẫn đầy khó khăn với những diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.