Giá trị cao su của Việt Nam tăng cả lượng và chất

Tháng 6/2021, giá cao su châu Á giảm mạnh do nguồn cung tăng, nhu cầu chậm lại. Giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. 

Theo ước tính, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 15%, tăng so với mức 10,9% của 5 tháng đầu năm 2020.

Thị trường trong nước

Trong tháng 6/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. Ngày 28/6/2021, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 330 đồng/TSC, giảm 45 đồng/TSC; giá thu mua mủ tạp ở mức 265 đồng/TSC, giảm 20 đồng/TSC. 

Theo ước tính, trong tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130 nghìn tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng 57,1% về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với tháng 5/2021; so với tháng 6/2020 giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 36,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.700 USD/tấn, giảm 1,9% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 42,8% so với tháng 6/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su đạt khoảng 681 nghìn tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 79,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như Latex, RSS1, cao su tổng hợp, SVR 10, RSS3, SVR 3L, SVR CV60… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 5 tháng đầu năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60,23% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 331,86 nghìn tấn, trị giá 536,4 triệu USD, tăng 64,1% về lượng và tăng 96,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,5% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, đạt 330,19 nghìn tấn, trị giá 533,26 triệu USD, tăng 65,1% về lượng và tăng 98% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Về giá xuất khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Latex tăng 38,6%, RSS1 tăng 37,7%, RSS3 tăng 32,4%, SVR CV60 tăng 30,2%, SVR 3L tăng 29,1%, SVR CV50 tăng 28,1%...

Thị trường thế giới

Tháng 6/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt ở châu Á có xu hướng giảm mạnh so với tháng 5/2021, cụ thể: + Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, ngày 28/6/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2021 giao dịch ở mức 237,3 Yên/kg (tương đương 2,14 USD/kg), giảm 5,2% so với cuối tháng 5/2021, nhưng tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá có xu hướng giảm mạnh 20 ngày đầu tháng, sau đó tăng trở lại trong mấy phiên gần đây, tuy nhiên so với cuối tháng 5/2021 giá vẫn giảm. Ngày 28/6/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2021 ở mức 12.970 NDT/tấn (tương đương 2,01 USD/kg), giảm 2,3% so với cuối tháng 5/2021, nhưng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tuần từ ngày 21/6 – 25/6/2021, tồn kho cao su tự nhiên dựa theo chứng từ tại SHFE đạt 174.820 tấn, tăng 190 tấn (tăng 0,1%) so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 183.534 tấn, tăng 930 tấn (tăng 0,5%) so với tuần trước.

Tại Thái Lan, ngày 28/6/2021, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 62,8 Baht/kg (tương đương 1,97 USD/kg), giảm 9,2% so với cuối tháng 5/2021, nhưng tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su thế giới có xu hướng giảm trong tháng 6/2021 do nguồn cung tăng khi nhiều nước bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới, trong khi nhu cầu tại Trung Quốc có phần chậm lại. Tâm lý thị trường e ngại xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý III/2021.

Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, các nhà cung cấp cao su lớn như Thái Lan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và các nước sản xuất cao su khác đã bước vào thời kỳ khai thác, nhưng nguồn cung chưa tăng mạnh do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong khu vực. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 5/2021 tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt xấp xỉ 834,2 nghìn tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với tháng 5/2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Dung lượng thị trường nhập khẩu cao su của Trung Quốc và thị phần của Việt Nam

Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 5,14 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản và In-đô-nê-xi-a là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 770,01 triệu USD, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 15%, tăng so với mức 10,9% của 5 tháng đầu năm 2020.

Về chủng loại nhập khẩu Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 1,49 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc, đạt 88,37 triệu USD, tăng 112,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,9% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 4,2% của 5 tháng đầu năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malai-xi-a, Mi-an-ma và In-đô-nê-xi-a là 5 thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 677,28 triệu USD, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 33,8% trong tổng trị giá nhập khẩu chủng loại cao su này của Trung Quốc, tăng so với mức 21,6% của 5 tháng đầu năm 2020.

Bình luận của bạn