Giải cứu khoai lang bị thương lái Trung Quốc ép giá
Giữa tháng 7, giá khoai lang huyện Bình Tân (Vĩnh Long) – vựa khoai lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long rớt giá do thương lái Trung Quốc “lật kèo”. Trước vụ thu hoạch, tiểu thương đặt tiền với giá mua 1.600 đồng một kg, đến vụ họ không thu mua, đợi khoai già chất lượng kém mới trở lại. Khi đó, sản lượng không đủ, giá rớt thê thảm, khoai loại 2 chỉ còn chưa đầy 100 đồng một kg.
Chán nản, nông dân thu hoạch về cho trâu bò ăn, hoặc bỏ mặc ngoài ruộng. Không ít hộ lỗ cả trăm triệu cho vụ khoai đã phải bơm nước vào ruộng để chuyển sang trồng lúa.
Sau khi có thông tin, công ty nông sản Đại Việt (Hà Nội) cùng nhóm thiện nguyện "giải cứu" dưa hấu miền Trung trước đó đã vào Vĩnh Long khảo sát tình hình.
Doanh nghiệp cam kết tiêu thụ khoai lang Vĩnh Long với giá 3.000-5.000 đồng một kg so mức 100 đồng một kg mà thương lái Trung Quốc ép giá.
"Song, gần như thương lái không mua, ngoài phần diện tích đợi thu hoạch thì khoai tồn đang chất thành đống tại vườn hoặc nhà dân", vị này cho biết.Ông Đặng Như Quỳnh-Giám đốc Đại Việt cho hay tổng diện tích khoai của Bình Tân là hơn 9.600 ha, sản lượng dự tính trên 10.000 tấn tồn đọng. Địa phương đang có mưa lớn, nếu không thu hoạch nhanh khoai sẽ thối và phải vứt bỏ. Lúc này, giá khoai loại 1 và 2 cao nhất là 350 đồng một kg. Riêng khoai loại 3 được bán phổ biến 5.000 đồng một tạ (tương đương 60kg-theo cách tính của địa phương).
Theo lãnh đạo doanh nghiệp nhóm thiện nguyện đã khởi động lại kế hoạch tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân bằng cách mở lại các điểm bán tại các địa phương như cách làm với dưa hấu và vải thiều trước đó. Trước mắt, Hà Nội sẽ là địa điểm được tiêu thụ đầu tiên.
"Sáng 1/8, 5 xe tải với hơn 100 tấn khoai đã xuất phát, dự kiến sáng 2/8 về đến Hà Nội . Khoai sẽ được bán lại các điểm phân phối đã đăng ký từ trước", ông Quỳnh nói. Theo vị này, giá thu mua tại vườn được đơn vị trả là 3.000-5.000 đồng một kg, giá bán lẻ niêm yết là 8.000 đồng.
Việc tiêu thụ khoai không dễ dàng như trái cây, do đó, nhóm thiện nguyện đã tính đến phương án liên hệ với các đơn vị chế biến thực phẩm. Ông Quỳnh cho biết một công ty nông sản tại Quy Nhơn cam kết thu mua 5.000 tấn để cắt lát rồi sấy xuất sang Nam Phi.
"Tối qua, họ đã chuyển khoản số tiền ban đầu để chúng tôi kịp thanh toán cho bà con. Rất may công ty cũng mua nguyên liệu xô nên không mất thời gian phân loại. Đơn vị thu mua cam kết sẽ tăng năng lực chế biến để tiêu thụ với số lượng lớn hơn. Hiện chỉ có những đơn vị lớn như vậy mới tiêu thụ hết được khoai tồn chứ bán lẻ 10.000 tấn khoai không hề đơn giản", ông nói.
Giám đốc Đại Việt cho biết thêm một số doanh nghiệp chế biến khác đang cân nhắc việc tiêu thụ khoai. Song do liên quan đến kế hoạch chế biến và thiếu điểm tập kết nguyên liệu nên lúc này vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Thời gian dự kiến để tiêu thụ hết 10.000 tấn khoai lang tồn trong khoảng một tháng.
Khó khăn lớn nhất của chiến dịch giải cứu khoai lang lúc này theo nhóm thiện nguyện là nhân lực. Do đó, nhóm đang dành ưu tiên việc tiêu thụ cho những hộ gia đình chính sách và các hộ trồng có ruộng bị ngập nước. Hiện, ông Quỳnh đang đề xuất sự hỗ trợ lực lượng sinh viên tình nguyện của địa phương.
Vĩnh Long có khoảng 10.000 ha trồng khoai lang, trong đó 90% diện tích tại huyện Bình Tân. Nông sản này là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích lớn, sản lượng cao nhưng đầu ra không ổn định, chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh.
Theo ghi nhận, giá bán khoai loại một hiện nay thấp bằng một phần mười lúc cao điểm 2 năm trước, khi có giá một triệu đồng một tạ. Hiện, đã có hàng nghìn hecta đất trồng khoai được nông dân chuyển sang trồng lúa, nhiều nhất là xã Tân Hưng chuyển đổi 600 ha trên tổng số 1.400 ha khoai lang.
Theo vnexpress.net