Hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng xuất khẩu sang New Zealand

Là nước có dân số thấp khoảng 4,9 triệu người trong đó ưu tiên phát triển ngành dịch vụ và ngành nông nghiệp nên sản xuất các ngành hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… của New Zealand rất hạn chế.

Nền kinh tế New Zealand chủ yếu hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, thị trường nội địa có dung lượng nhỏ, New Zealand phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh tế dựa vào xuất khẩu nông nghiệp và làm vườn. Có khoảng 85 - 90% sản lượng sữa, thịt, trái cây và rau của New Zealand được xuất khẩu.

Theo Cục Thống kê New Zealand, trong cơ cấu các ngành kinh tế New Zealand, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế New Zealand, chiếm khoảng 55,7% trong năm 2016, và chiếm 63% trong các năm 2017, 2018. Ngành khai thác mỏ chiếm 14,2%, ngành sản xuất công nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp..) chiếm 15,7% trong năm 2016 nhưng giảm xuống còn 13% trong năm 2019. Ngành công nghiệp lâm nghiệp và khai thác gỗ chiếm 11,3% trong năm 2016, giảm còn 10,1% trong năm 2019.

Ngành sản xuất công nghiệp của New Zealand chủ yếu đến từ chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản xuất ngành chế biến chế tạo của New Zealand có mức tăng 0,8% so với năm 2019, mức tăng gồm các ngành sản xuất dệt, da, giày dép tăng 1,9%; Sản xuất từ gỗ và giấy tăng 3,6%; Sản xuất các sản phẩm phi kim tăng 3,7%; Đồ nội thất tăng 3,5%; Sản xuất thực phẩm tăng 1,0%... so với năm 2019. New Zealand là nước xuất khẩu thực phẩm và đồ uống lớn, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của New Zealand là Trung Quốc, Australia, Mỹ, EU và Nhật Bản.

Trong đó, Trung Quốc chiếm 20%, Australia chiếm 16%... Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất sữa chiếm ưu thế trong xuất khẩu của New Zealand. Nước này là nhà sản xuất sữa lớn số 1 thế giới và xuất khẩu phần lớn sữa sản xuất trong nước. Theo thời gian, ngành công nghiệp sữa đã phát triển do sự đa dạng hóa và đổi mới sản phẩm. Năm 2018, New Zealand xuất khẩu thực phẩm và đồ uống đạt 34,5 tỷ USD. Sữa, trứng và mật ong chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi thịt đứng thứ hai với khoảng 14%. Ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế New Zealand và 1/5 dân số nước này làm việc trong chuỗi cung ứng và sản xuất thực phẩm.

Sản xuất công nghiệp của New Zealand

Các ngành sản xuất công nghiệp tại New Zealand gồm các ngành như: thịt và sản phẩm sữa; chế biến thủy hải sản; trái cây, dầu, ngũ cốc và thực phẩm khác; đồ uống và thuốc lá; dệt, da, quần áo và giày dép; các sản phẩm từ gỗ và giấy; in ấn; dầu mỏ và sản phẩm than; các sản phẩm hóa chất, polyme và cao su; sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản phẩm kim loại; thiết bị vận tải, máy móc và thiết bị; đồ nội thất. Là nước có dân số thấp khoảng 4,9 triệu người trong đó ưu tiên phát triển ngành dịch vụ và ngành nông nghiệp nên sản xuất các ngành hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… của New Zealand rất hạn chế.

Các ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo không được phát triển do xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử, thiết bị truyền thông như điện thoại, máy tính được sản xuất lớn tại các thị trường khu vực châu Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, thị trường Đài Loan và Hồng Kông,.. ngành sản xuất máy tính, thiết bị văn phòng, điện tử, thiết bị truyền thông của New Zealand kém phát triển và lựa chọn chuyển hướng sang nhập khẩu. Do đó, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, túi xách, đồ nội thất, hàng điện tử tiêu dùng của New Zealand là khá lớn. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, trong đó có Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường New Zealand. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020 quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand tăng trưởng ấn tượng, New Zealand nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng từ Việt Nam như điện thoại, máy tính điện tử, dệt may, giày dép, hóa chất, chế phẩm công nghiệp… đều có tốc độ tăng trưởng bình quân tăng cao. Có nhiều nhóm hàng HS có tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2016 – 2020 tăng cao như mã HS 85 tăng 11,3%, HS 84 tăng 15,4%, HS 62 tăng 11,9%, HS 34 tăng 37,5%, HS 90 tăng 56,4%, HS 25 tăng 78,5%... 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, New Zealand nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp từ Việt Nam đều tăng mạnh như các mã HS 90, HS 84, HS 85, HS 94… có mức tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, thị phần các mã HS 85, HS 64 của Việt Nam tại thị trường New Zealand chiếm tỷ trọng cao như mã HS 85, New Zealand nhập khẩu từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 181,48 triệu USD, tăng 54,0% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 12,5% thị phần nhập khẩu nhóm HS 85 của New Zealand, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong nhóm hàng này Việt Nam đang cạnh tranh mạnh với nguồn cung từ Trung Quốc, Australia, Mỹ. 

New Zealand nhập khẩu mã HS 64 trong 6 tháng đầu năm 2021 từ Việt Nam đạt 39,7 triệu USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 36,5% thị phần nhập khẩu mã HS 64 của New Zealand. 

Nhóm hàng này của Việt Nam tại New Zealand có thị phần đứng thứ 2 sau Trung Quốc, chiếm thị phần 64,2%. New Zealand nhập khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng mạnh nhưng tổng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường New Zealand vẫn còn rất hạn chế so với khả năng xuất khẩu của nước ta, khi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường New Zealand dao động quanh mốc 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại thị trường New Zealand cũng còn thấp so với tiềm năng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng nhu cầu nhập khẩu của New Zealand. 

Xu hướng nhập khẩu sản phẩm công nghiệp của New Zealand từ các thị trường trên thế giới tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 -2020 ở mức thấp 0,6% trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu từ Việt Nam tăng 9,4%. Với nhu cầu cao các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cùng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và New Zealand sau khi CPTPP được ký kết và đặc biệt là Hiệp định RCEP ký kết ngày 15/11/2020 sẽ nâng quan hệ thương mại giữa hai bên lên tầm cao mới, mở ra cơ hội tăng xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính điện tử, máy móc, phụ tùng khác, cao su…của Việt Nam.

Bình luận của bạn