Hàng hóa phớt lờ giá xăng

Từ đầu năm đến nay giá xăng giảm 4 lần liên tiếp kéo RON 92 từ 16.030 đồng về mức 13.752 đồng một lít. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, xăng giảm tổng cộng 2.278 đồng mỗi lít. Các hãng taxi, vận tải hành khách đường dài cũng đã cam kết giảm giá cước từ 3 đến 6% (đối với taxi 300-600 đồng một km), riêng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

Tại các chợ và siêu thị, giá rau củ quả, thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao. Cải xanh 20.000 đồng một kg, súp lơ 30.000 đồng một kg, thịt ba chỉ 100.000 đồng, sườn non 120.000-130.000 đồng một kg. Riêng thịt bò thăn thay vì 280.000 đồng một kg thì trong các hệ thống siêu thị đang ở mức 300.000-315.000 đồng. Đối với các mặt hàng thủy sản như mực, tôm, cá thu, cá lóc vẫn giữ giá và dao động quanh mức 160.000-300.000 đồng một kg.

Lý giải cho việc giá thực phẩm vẫn ở mức cao, bà Hoa, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho biết, hầu hết các thương lái lớn đều không giảm giá sản phẩm nên thực phẩm về đến chợ vẫn phải bán giá phù hợp để có lời. Mặt khác, giá xăng tăng giảm thất thường, và chỉ khi nào giảm mạnh thì mới có sự điều chỉnh, nhưng cũng phải sau một tuần.

“Giá hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung cầu, giá thu mua và chi phí vận chuyển..., trong đó chi phí vận chuyển chiếm một phần rất nhỏ nên không phải cứ xăng giảm nhẹ là hàng hóa giảm theo”, cô Hoa nói.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cũng giải thích, từ đầu năm đến nay giá hàng hóa trong hệ thống vẫn đứng yên là do trước Tết các doanh nghiệp và siêu thị cùng nhau đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, đồng thời, một số thực phẩm tham gia chương trình bình ổn nên hàng hóa đã xuống mức thấp. Vì vậy, sau khi giá xăng giảm, các doanh nghiệp không thể điều chỉnh tiếp.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ đề nghị doanh nghiệp đưa ra mức giá hấp dẫn hơn sau khi giá xăng liên tục đi xuống để khách hàng được lợi. Thời gian điều chỉnh sẽ dựa vào sự xem xét và đánh giá của doanh nghiệp”, đại diện Co.opmart nói.

Còn tại Big C, đại diện đơn vị này cũng cho hay, hiện chưa có bất cứ doanh nghiệp nào thông báo điều chỉnh giá mặc dù trước đó siêu thị cũng có đề nghị.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, tất cả các sản phẩm của công ty chỉ di chuyển trong TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên chi phí vận chuyển vẫn giữ mức ổn định. Đối với các tỉnh vùng xa phía Bắc, đa phần là vận chuyển đường tàu hỏa nên khi giá xăng giảm mạnh không có tác động tới chi phí vận chuyển của công ty.

“Mặt khác, khi giá xăng tăng ở các chu kỳ trước, các nhà vận chuyển hàng hóa của công ty đã không tăng giá nên đợt này chúng tôi cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm. Chính vì thế, giá hàng hóa vẫn đang ở mức ổn định”, ông Mười nói.

Còn ông Trương Trí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - đơn vị chuyên kinh doanh trứng gia cầm thì cho rằng, giá xăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chi phí cấu thành giá trứng nên việc điều chỉnh giá bán khi xăng giảm là điều khó.

“Chi phí xăng chỉ chiếm khoảng 10 đồng trong tổng chi phí cấu thành mỗi quả trứng. Do vậy, dù xăng có giảm chiếm tới 10% của chi phí vận chuyển thì cũng chỉ tác động rất nhỏ lên giá trứng”, ông Đạt nói.

Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc cũng cho hay không bị tác động. Theo doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc ở Đồng Nai, giá thành sản phẩm của ngành chăn nuôi phụ thuộc vào nguyên liệu, chi phí nhân công và cung cầu của thị trường. Do vậy, giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi không điều chỉnh theo xăng là điều dễ hiểu.

Cũng cho rằng giá xăng tác động ít hơn lên giá hàng hóa, lãnh đạo Sở Tài chính TP HCM cho biết, khi giá xăng điều chỉnh, đối tượng tác động trực tiếp là các đơn vị vận tải và các hãng taxi. Còn với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, giá cước chỉ tác động một phần nhỏ nên việc điều chỉnh tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tới nay, đa phần các doanh nghiệp vận tải, taxi cũng đã đăng ký giảm giá cước lên Sở. Hết ngày 23/2, doanh nghiệp nào chưa đăng ký điều chỉnh thì cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

Mặc dù tiểu thương, doanh nghiệp lý giải giá xăng không tác động trực tiếp tới giá hàng hóa, thế nhưng, trong năm 2013, khi giá xăng tăng ở mức kỷ lục 24.580 đồng một lít thì tiểu thương tại các chợ, nhà hàng, quán ăn và nhiều doanh nghiệp ngay lập tức "té nước theo mưa" để tăng giá. Ngược lại, đến thời điểm cuối 2015 đầu 2016 khi giá xăng, dầu liên tục giảm mạnh, các đơn vị kinh doanh đều cho rằng chúng chỉ tác động một phần rất nhỏ nên khó điều chỉnh.

 

 

Bình luận của bạn