Hàng Trung Quốc lại tràn ngập thị trường
Cùng với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa của nước này nhập vào Việt Nam có chiều hướng rộ lên, đặc biệt là sản phẩm nhập lậu.
Độc, lạ, rẻ Ở TP HCM, tại các cửa hàng đồ dùng học tập gần các trường tiểu học Lương Định Của (quận 3), Chu Văn An (quận Bình Thạnh), Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức)… có đến 9/10 là đồ “made in China”, hơn 3/4 trong số đó không có nhãn phụ tiếng Việt, không tem kiểm định chất lượng. Cửa hàng đồ dùng học tập HK, đường Vườn Chuối (quận 3) trưng bày ngay mặt tiền hàng chục loại đồ chơi bạo lực xuất xứ Trung Quốc, gồm nhiều loại súng ngắn - dài với đầy đủ đạn bắn, dao găm; trên bìa sản phẩm in ảnh bé trai ngắm bắn, nét mặt hiếu chiến.
Chủ cửa hàng giới thiệu “toàn là mẫu mới nhất, vừa nhập về, giá chỉ từ 30.000 đồng một cái”. Dọc theo đường Trần Bình bên hông chợ Bình Tây (quận 6), hàng loạt cửa hàng đồ chơi trẻ em và dụng cụ học tập tấp nập khách hàng đến chọn và đóng hàng đưa đi các quận huyện, tỉnh thành khác. Chỉ tham khảo khoảng 3-4 cửa hàng, chúng tôi đã như lạc vào rừng chủng loại, kiểu dáng, màu sắc… của sản phẩm, nhưng chỉ có một nguồn gốc - Trung Quốc. Những món hàng độc, lạ, mới và rẻ đều xuất hiện ở đây.
Chẳng hạn, đang “hot” là điện thoại đồ chơi Samsung Galaxy Note 5, Iphone 6s với kiểu dáng, màu sắc không khác gì điện thoại thật. Màn hình điện thoại được thiết kế hình 3D, phản chiếu bắt mắt, trẻ có thể “lướt” và chơi một số game được cài sẵn.
Một người bán hàng cho biết: “Loại này hiện đang rất hút, mỗi ngày đóng đi tỉnh cả nghìn cái, giá sỉ 39.000 đồng một cái”. Đáng ngại là bộ đồ chơi búp bê nhưng lại kèm theo kéo, dao rạch giấy, nhíp, dụng cụ bấm mi và đồ cắt móng tay, giá bán sỉ 35.000 đồng một bộ. Tất cả đều bằng sắt, mảnh, bén chứ không phải bằng nhựa. Trẻ sử dụng có thể bị đứt tay, chảy máu.
Thậm chí, các sạp còn bán loại đàn guitar nhựa có dây cước rất bén, có khóa chỉnh dây. Trẻ dễ bị đứt tay khi gảy mạnh hoặc dây đàn bật vào mắt. Cũng tại chợ này, ngoài đồ chơi, mỹ phẩm đến thời trang giày dép, quần áo đều là “made in China”. Chúng tôi hỏi mua sỉ giày dép xuất xứ Việt Nam hoặc Thái Lan, nhiều chủ sạp gạt phắt “không có, chỉ có hàng Trung Quốc thôi”. Đánh lừa người tiêu dùng Theo một chủ sạp hàng chợ Bình Tây “mỹ phẩm dưỡng da còn có hàng Thái chứ mỹ phẩm trang điểm (phấn mắt, phấn phủ, son môi…) đến 90% là hàng Trung Quốc”.
Giá bán rẻ như cho. Một bộ trang điểm được thiết kế hình trái tim màu hồng trông rất bắt mắt, gồm ba ngăn, bên trong có đủ gương soi, 10 màu phấn mắt, hai màu má hồng, hai màu phấn phủ, bốn màu son môi, bông phấn, cọ vẽ môi, cọ vẽ mắt, giá chỉ 27.000 đồng. Bên ngoài hộp in toàn chữ Trung Quốc, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm, nhà nhập khẩu hay phân phối. Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại mỹ phẩm Trung Quốc sẽ khó bán, chị tiểu thương nhấn mạnh: “Hàng Trung Quốc nên mới có giá rẻ, dễ bán. Đi sạp nào cũng vậy thôi. Phấn, kem trang điểm lên da một chút rồi rửa, của Trung Quốc thì có sao đâu”.
Thấy chúng tôi ngần ngừ, chị tiểu thương đưa ra một số hộp trang điểm khác, hộp mặt nạ bột… trên vỏ hộp có in chữ Nhật và dòng chữ Made in Japan. Chị nói: “Nếu ngại thì lấy những loại này, khách sẽ nghĩ là hàng của Nhật”. Thực chất, theo chị này, loại có dòng chữ Made in Japan, hình thức trông có vẻ sang hơn nhưng vẫn là hàng Trung Quốc, giá nhỉnh hơn khoảng 10% so với loại ghi Made in China. Người bán hàng còn dùng một “chiêu” khác, là dựa vào dòng chữ Made in P.R.C trên vỏ hộp để đánh lừa người mua. Người bán giới thiệu đây là sản phẩm của các nước phát triển như Pháp, Mỹ hay Úc với vỏ hộp bắt mắt, sang trọng, in toàn tiếng Anh.
Thực tế, P.R.C là cụm từ viết tắt của People republic of China: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Khi mua mỹ phẩm trang điểm ở chợ Xóm Củi (quận 8), chúng tôi được các tiểu thương giới thiệu khá nhiều mẫu, đều xuất xứ Trung Quốc với giá rất “mềm”. Một hộp trang điểm với đầy đủ son môi, phấn, màu mắt, cọ nhưng giá chỉ 50.000 đồng. Nước hoa, son dạng chai, thỏi nhỏ chỉ 20.000- 30.000 đồng một sản phẩm.
Theo báo Newszing