Hàng Việt tìm chỗ đứng ở Thái Lan
Tiếp cận thị trường Thái Lan trở thành bàn đạp cho nông sản, thực phẩm chế biến... Việt Nam vươn ra khu vực.
Cửa vào các siêu thị lớn
Năm 2014, Công ty Cổ phần Hạt điều Hải Bình chính thức hoạt động, chủ yếu xuất khẩu hạt điều thô sang thị trường các nước lân cận. Tiếp đó, trong quá trình mở rộng thị trường, Công ty khánh thành Nhà máy Hạt điều rang củi, tại Gia Lai với công suất thiết kế ban đầu khoảng 720 tấn/năm bằng phương pháp rang truyền thống. “Cơ hội giúp chúng tôi chuyển mình, khi may mắn tìm được thị trường Thái Lan”, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạt điều Hải Bình, chia sẻ.
Theo ông Lâm, doanh nghiệp này bắt đầu tiếp cận thị trường Thái Lan từ năm 2016, thông qua siêu thị Big C và GO! Việt Nam. Bình quân, 2 chuỗi siêu thị phân phối được từ 4-6 tấn thành phẩm/tháng. Sau 3 lần tham gia chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, Hải Bình có cơ hội làm việc với chuỗi hệ thống siêu thị Tops và có được sự đồng thuận từ đơn vị phân phối này. “Tín hiệu đón nhận từ người dùng Thái Lan đang rất tốt. Hải Bình đang thâm nhập vào các chuỗi siêu thị khác nhằm đẩy mạnh doanh số hơn nữa tại thị trường này”, ông Lâm nói.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 10,2 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt xấp xỉ 3,2 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 7 tỉ USD, tăng 9,2%.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ Trưởng thị trường châu Âu và châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết, các sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường này phần lớn là thực phẩm như phở, mì, trà, cà phê, đồ ăn nhẹ, trái cây tươi và gia vị. Khảo sát tại các hệ thống siêu thị lớn ở Thái Lan như Tops, Central Food Hall... dễ thấy, các mặt hàng của Việt Nam như cà phê tiện dụng của King Coffee; trái cây sấy khô của Vinamit; mì ăn liền và phở Vifon, hạt điều Hải Bình, mứt của Le Fruit, cà phê xay của thương hiệu Sense Asia... đã bắt đầu có chỗ đứng.
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vifon, cho biết, sản phẩm của Công ty đã vào được chuỗi siêu thị cao cấp Tops của Central Group và một số kênh bán lẻ khác. Theo thống kê của hệ thống Central Group Thái Lan, mỗi ngày hệ thống siêu thị Tops bán gần 200 sản phẩm Vifon tại một cửa hàng. Đây là một kết quả rất khả quan cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chinh phục được người tiêu dùng nếu nắm được thị hiếu khách hàng.
Cần thêm trợ lực
Dù có nhiều thuận lợi nhưng không dễ để hàng Việt có được vị trí này. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm kể, sau khi ký kết các biên bản ghi nhớ Hải Bình phải mất khoảng 8 tháng sau mới xuất được đơn hàng đầu tiên vào hệ thống siêu thị Tops. Thông qua hệ thống siêu thị Big C (từ năm 2017 đến nay), bình quân mỗi năm Central Group xuất khẩu 46 triệu USD hàng hóa Việt Nam trở lên, con số này đang tiếp tục tăng. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu trực tiếp qua các mạng lưới phân phối vẫn chiếm tỉ lệ thấp. Giá cao, chưa nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại, chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn... đang được xem là những trở ngại chính.
Tại Việt Nam, Central Group có khoảng 40.000 nhà cung ứng, trong đó hơn 90% là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Thái Lan, mới có khoảng 50 sản phẩm hàng hóa Việt Nam có mặt trong các siêu thị thuộc Central Group, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy.
Bà Jariya Chirathivat, Phó Chủ tịch Điều hành, Phát triển kinh doanh Tập đoàn Central Group, Thái Lan, cho biết, lợi thế tương đồng về mặt thị trường giữa 2 nước cũng chính là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp vừa phải có những đặc trưng riêng, vừa phải phù hợp với thị hiếu người Thái. Để đưa được hàng Việt vào hệ thống siêu thị Thái Lan, ngoài việc mặt hàng phù hợp, doanh nghiệp cũng phải đầu tư thêm trong công tác đóng gói, thiết kế bao bì... Về phía đơn vị phân phối, Central Group cũng phải phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan. Song song đó là các hội chợ xúc tiến thương mại, như sự kiện Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan suốt 4 năm qua.
Nhờ những nỗ lực này, việc đưa hàng Việt vào Thái mới có thêm tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo bà Khánh Ngọc, vẫn cần thêm trợ lực cho doanh nghiệp trong chiến lược chinh phục thị trường Thái. Cụ thể, khi hàng Việt đã bắt đầu “cắm rễ” được ở siêu thị, ngoài các chương trình hội chợ lớn thường niên, doanh nghiệp sẽ cần thêm nhiều sự kiện được tổ chức đồng loạt tại các siêu thị trên khắp Thái Lan cũng như các chương trình khuyến mãi dài hạn để sự kiện được lan tỏa.
“Thái Lan là quốc gia du lịch, nếu làm tốt công tác thị trường, hàng Việt sẽ không chỉ tiếp cận được người dân mà còn có cơ hội thông qua khách du lịch, đến với những thị trường tiềm năng khác”, bà Ngọc nhận xét.