Hầu hết dừa trái được xuất khẩu sang Trung Quốc
Trong năm 2015, xuất khẩu dừa trái của Bến Tre - địa phương có diện tích sản xuất dừa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - phụ thuộc gần 100% vào Trung Quốc, ngoại trừ một ít bán được sang thị trường Hàn Quốc.
Cụ thể, số liệu thống kê của Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho thấy trong năm 2015, xuất khẩu dừa trái của địa phương này đạt hơn 16,2 triệu trái, trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ 36.000 trái, còn lại được tiêu thụ hoàn toàn tại Trung Quốc.
Dù xuất khẩu nhiều, nhưng kim ngạch thu được từ mặt hàng này trong năm 2015 chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ, trong đó, bán sang Hàn Quốc đạt 20.280 đô la Mỹ, theo báo cáo của Hiệp hội Dừa Bến Tre.
Dữ liệu này cũng cho thấy giá dừa xuất khẩu qua Trung Quốc bình quân chỉ 27 xu Mỹ, tương đương 6.000 đồng mỗi trái, trong khi giá xuất khẩu bình quân qua Hàn Quốc cao gấp đôi, đạt 56 xu.
Tuy nhiên, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, tinh dầu dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa…, hiện đã được xuất khẩu sang hàng chục thị trường khác nhau trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Singapore...
Việc xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dừa năm 2015 lên hơn 138 triệu đô la Mỹ, theo báo cáo của Hiệp hội Dừa Bến Tre.
Còn về giá nguyên liệu thị trường trong nước, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, hiện giá dừa trái (dừa khô) tại ĐBSCL dao động từ 60.000- 80.000 đồng/chục 12 trái (tùy từng vùng và tùy loại lớn hay nhỏ). Dừa uống nước các loại có giá từ 30.000 - 35.000đồng/chục 12 trái. Riêng dừa xiêm xanh có giá 40.000-45.000 đồng/chục và dừa dứa 60.000-70.000 đồng/chục.
Đối với cơm dừa nạo sấy, giá cơm dừa trắng được các nhà máy chế biến ở Bến Tre mua vào ổn định ở mức 13.500 đồng/kg. Giá dừa nguyên liệu nêu trên, theo hiệp hội, đã giúp nông dân sản xuất loại cây trồng này có lãi khá.