Hết cửa giả mạo xuất xứ

Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Thế nào là "Made in Vietnam"?

Cơ quan này cho rằng việc thiếu các quy định như thế nào một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" thời gian qua đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm. Đơn vị soạn thảo cũng nêu thực tế về việc một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Những nghi vấn về xuất xứ hàng hóa liên quan đến Công ty CP Điện tử Asanzo đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, việc thiếu quy định tiêu chí "Made in Vietnam" là điều mà cơ quan quản lý đã thấy rõ. Do đó, một khi thông tư này được ban hành sẽ khỏa lấp khoảng trống về pháp lý trong suốt thời gian qua.

Theo dự thảo thông tư, sản phẩm được xác định là "Made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam như: cây trồng, vật nuôi hoặc các sản phẩm từ cây trồng và vật nuôi; khoáng sản; các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam...

Ngược lại, ở nhóm hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, Bộ Công Thương đã đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn để xác định xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra 2 tiêu chí để xác định hàng hóa "Made in Vietnam". Đó là tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng và tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (mã HS). Đối với tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 công thức tính để doanh nghiệp (DN) lựa chọn áp dụng. Thứ nhất, hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó. Công thức thứ 2 là trị giá xuất xưởng trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa cũng được coi là "Made in Vietnam".

Trong khi đó, tiêu chí "chuyển đổi mã HS" cho phép DN có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, tuy nhiên quy trình này phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

Lắp ráp không phải là hàng Việt

Dự thảo thông tư cũng quy định ngoài việc đáp ứng tỉ lệ nội địa như đã nêu ở trên, nếu như hàng hóa chỉ nhập linh kiện, lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh sẽ không được ghi "Made in Vietnam".

Một sản phẩm bị coi là không vượt qua công đoạn gia công đơn giản khi hoạt động không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc các thiết bị chuyên dụng. Còn công đoạn gia công đơn giản bao gồm các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển; các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, mác; lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Quy định này được cho là sẽ giải quyết được những tranh cãi gần đây liên quan đến việc Asanzo nhập linh kiện về lắp ráp rồi ghi xuất xứ Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tiêu chí phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản tại dự thảo này, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá rất phù hợp và khi đi kèm bên cạnh các tiêu chí khác như tỉ lệ nội địa và chuyển đổi mã HS sẽ bịt được các lỗ hổng pháp lý thời gian qua. Theo bà Hương, nếu quy định hàng hóa gia công đơn giản tại Việt Nam được dán nhãn "Made in Vietnam" sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Bởi việc gia công đơn giản không thể đáp ứng điều kiện để ghi xuất xứ, điều này được các nước trên thế giới đặc biệt quan chú trọng, trong đó những sản phẩm có giá trị gia tăng cao càng được siết chặt hơn.

Một chuyên gia kinh tế cho biết trên thực tế, việc nhập khẩu linh kiện hoặc đặt hàng sản xuất linh kiện rồi thực hiện lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh đang là phương thức sản xuất phổ biến trong ngành điện tử gia dụng nên các DN cần phải có những thay đổi căn bản khi thông tư này được ban hành, để phù hợp với quy định pháp luật trong việc ghi xuất xứ hàng hóa. "Việc xây dựng thông tư về "Made in Vietnam" sẽ tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, giúp hàng hóa Việt Nam khẳng định chất lượng và chỗ đứng trên thị trường" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định thông tư khi được ban hành sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho DN bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43 của Chính phủ. Và trong bối cảnh hiện tại, các quy định trên sẽ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. "Các DN chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc gian lận xuất xứ, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Đồng thời, loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã xảy ra rải rác trong thời gian qua" - đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Pháp luật Việt Nam đã có quy định khung về các nguyên tắc chung ghi nhãn hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa, như Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa, Nghị định số 31/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa...

Tuy nhiên, trong bối cảnh mà những nước sản xuất lớn như Trung Quốc có nhu cầu thay đổi nhãn mác, gian lận xuất xứ để đối phó tâm lý người tiêu dùng kỳ thị hàng hóa của họ vì nhiều lý do, trong đó có lý do về mức độ xác tín chất lượng hàng hóa không cao. Mặt khác, không loại trừ khả năng Trung Quốc chủ động dùng Việt Nam và một số nước lân cận làm thị trường trung chuyển hàng của mình để xâm nhập vào thị trường các nước khác, đặc biệt là Mỹ, để tránh thuế quan trong cao trào cuộc chiến tranh thương mại. Bối cảnh đó, khung pháp lý như trên còn khá chung chung, gây khó khăn cho cơ quan thực thi, gây ngộ nhận, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cũng phải nhấn mạnh rằng việc thực thi trong lĩnh vực chống gian lận thương mại của Việt Nam khá yếu. Những phát hiện gian lận thương mại, xâm hại người tiêu dùng chủ yếu từ các tình huống tình cờ, có vai trò của cơ quan truyền thông báo chí hơn là kế hoạch bài bản căn cơ của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư thương mại, trực tiếp hơn là Bộ Công Thương, các cục QLTT...

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit: Phải công bằng với mọi DN

Câu chuyện DN nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về đóng gói tại Việt Nam sau đó ghi nhãn "Made in Vietnam" đã diễn ra từ rất lâu chứ không phải mới đây. Hiện tượng này không chỉ diễn ra trong một hoặc một nhóm hàng mà ở hầu hết các ngành hàng, từ hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh đến may mặc, điện tử... Chẳng hạn, trong lĩnh vực thực phẩm, một số DN sữa nhập sữa hoàn nguyên từ nước ngoài về đóng gói và ghi nhãn Việt. Quan điểm của tôi là nhà nước phải công bằng với mọi DN, đặc biệt là DN Việt. Thông tư về điều kiện ghi nhãn "Made in Vietnam" nếu được thông qua, có hiệu lực, cộng đồng DN chắc chắn sẽ chấp hành theo. Vấn đề là việc thực thi đó có làm giảm số DN Việt "ghi nhầm xuất xứ" không? Có giúp nâng cao giá trị, vị thế DN Việt, thương hiệu Việt không?

Rõ ràng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung, Mỹ đang giám sát hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ và đặt nghi vấn Việt Nam đang xuất khẩu giùm Trung Quốc thì quy định cụ thể về cách ghi nhãn càng rõ ràng, chi tiết càng có tác dụng giúp bảo vệ DN Việt. Còn về phía người tiêu dùng, kinh nghiệm làm ăn nhiều năm của tôi cho thấy người dùng chủ yếu quan tâm hàng hóa có tốt không, giá có rẻ không... và họ sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế. "Made in Vietnam" chỉ là một điểm cộng chứ không phải là yếu tố quyết định để mua hàng.

 

Bình luận của bạn