Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội 2023: Thêm cơ hội đẩy mạnh thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, máy móc, thiết bị của thành phố Hà Nội, các tỉnh thành trong cả nước giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, kết nối sản xuất giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, sáng ngày 17/5, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc “Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội năm 2023”.

Hội chợ đã thu hút gần 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan… tham gia. Các sản phẩm của các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều là các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.... 

Hội chợ lần này được tổ chức nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao khả năng tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo, hội nhập kinh tế quốc tế… Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thông qua hội chợ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế…

Hiện kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát toàn cầu ở mức cao, nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng; một số ngân hàng tại Mỹ, Châu Âu phá sản hoặc ngừng hoạt động; giá năng lượng biến động do xung đột tại Ucraina... đã ảnh hưởng tác động, làm giảm sức cầu hàng hóa, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại quốc tế, các chuỗi cung ứng bị suy yếu, tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ở trong nước, mặc dù chịu tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng với kết quả quan trọng đạt được trong năm 2022 cùng với việc Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế nên tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an ninh xã hội được đảm bảo. Tại thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế xã hội và sản xuất công nghiệp thành phố. Ước tính quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (GRDP) tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với cùng kỳ; Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng 8,7%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2%...

Trong bối cảnh này, Hội chợ sản phẩm công nghiệp, máy móc thiết bị và tự động hóa Hà Nội 2023 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, máy móc, thiết bị của thành phố Hà Nội, các tỉnh thành trong cả nước giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, kết nối sản xuất giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng là những nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng; thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và độ chính xác của sản phẩm, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, nâng cao khả năng tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo, hội nhập kinh tế quốc tế…

 

Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, các chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, chương trình khuyến công, sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường… Qua đó góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của ngành Công Thương và Thành phố Hà Nội năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bình luận của bạn