Hơn 10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế
Báo cáo Quốc hội ngày 20/10 về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực để thực hiện kế hoạch này nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế, dự kiến khoảng 10,57 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện. Trong đó, hàng đầu là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương.
Các nhiệm vụ ưu tiên tiếp theo gồm: Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách thực chất; bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả...
Chính phủ dự kiến thành lập Tổ công tác thi hành tái cơ cấu kinh tế ở Trung ương, ngành và địa phương, hỗ trợ, theo dõi, đánh giá và đôn đốc việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Thẩm tra kế hoạch nêu trên, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới. Theo đó, cần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện là: Tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời...
Có ý kiến trong Uỷ ban kinh tế đề nghị cơ cấu lại cả cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán) trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Về tổ chức thực hiện, Uỷ ban Kinh tế cho rằng đây thường là khâu yếu nhất, cần quyết liệt hơn. "Đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 để nâng cao tính pháp lý triển khai tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020", Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.