Huế mở nhiều đường bay mới và đón tàu du lịch quốc tế

Sáng nay, 8-8, tại TP Huế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016, do UBND tỉnh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức. Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN trong và ngoài nước tới tham dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết địa phương này ưu tiên thực hiện 2 chiến lược, một là phát triển đột phá, đưa Huế trở thành thành phố di sản, nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Điểm đến 5 di sản”, biến lợi thế của tỉnh thành nơi chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng đẳng cấp cao. Hai là đột phá Chân Mây - Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng với Huế, kết nối với Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong thành chuỗi đô thị biển, cảng biển, trung tâm công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng.

Từ 2 định hướng này, lãnh đạo Thừa Thiên - Huế kêu gọi DN đầu tư vào địa phương và cam kết sẽ tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, tiếp xúc với các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khi đầu tư tại Huế. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào các dự án; cam kết cung cấp nguồn lao động, hỗ trợ đào tạo lao động địa phương,…

"Từ cuối năm 2015 tới nay, nhiều tập đoàn, DN lớn đã quan tâm, triển khai nhiều dự án lớn tại Thừa Thiên - Huế như khởi công dự án hạ tầng KCN Phong Điền, thiết lập đường bay Huế - Bangkok, Huế - Đà Lạt, Huế - Nha Trang, đón tàu du lịch quốc tế cỡ lớn và nhiều dự án quy mô lớn về du lịch nghỉ dưỡng, nâng cấp cảng hàng không, xây dựng bến cảng…"- ông Cao nói.

Trong khuôn khổ của hội nghị này, UBND tỉnh cũng trao 16 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư là 7.444,5 tỉ đồng và ký 6 Thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. BIDV ký thỏa thuận với UBND tỉnh về tài trợ 7 tỉ đồng để thực hiện quy hoạch du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ngoài ra, ngân hàng này cũng ký các thỏa thuận, hợp đồng về nguyên tắc tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án với tổng mức đầu tư 4.558 tỉ đồng.

Tại hội nghị, đại diện nhiều DN lớn như Bitexco, BRG, Vietjet Air, Vinatext, Vingroup, FLC,… đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương trong những năm gần đây và tin tưởng những dự án đang và chuẩn bị đầu tư sẽ phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Đặc biệt, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho biết sẽ tăng chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM tới Huế thêm từ 2- 3 chuyến/ngày để thúc đẩy sự phát triển du lịch, thương mại và đầu tư của địa phương.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch và Trần Đình Thiên đánh giá cao sự thay đổi tư duy phát triển du lịch của Thừa Thiên - Huế khi hướng tới các dịch vụ du lịch có chất lượng cao và đề nghị tỉnh cần tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược ở trong và ngoài nước vào lĩnh vực này để đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết dư địa cho đầu tư, phát triển của Thừa Thiên - Huế là rất lớn khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Do đó, địa phương cần duy trì và đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng của hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nhiều năm tới.

“Mong muốn của trung ương là Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm về du lịch, dịch vụ, y tế, khoa học, công nghệ, giáo dục của cả nước. Nên mọi quy hoạch, kế hoạch phải làm theo tinh thần này”- ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Để thu hút đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố chính sách đầu tư rõ ràng hơn, danh mục dự án đầu tư cụ thể hơn nữa khi mà tổng số dự án cần kêu gọi hiện nay mới có 30 dự án (trong đó có 10 dự án đã có nhà đầu tư) là quá ít.

Ngoài các dự án đầu tư về du lịch, Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư quan tâm hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ cao, ngành “công nghiệp” tổ chức các sự kiện văn hóa…

"Phát triển công nghiệp của Thừa Thiên - Huế phải là công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, không ham nhà đầu tư lớn, chỉ cần các nhà đầu tư nhỏ và vừa nhưng có công nghệ tốt"- Phó Thủ tướng gợi ý.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Thủ tướng đã ban hành Quyết định từ năm 2009 về phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tới năm 2020. Theo Quyết định này, khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ phát triển du lịch làm chủ lực gắn với phát triển nông, lâm nghiệp bền vững với 8 dự án du lịch dịch vụ và 9 dự án công nghiệp, nông nghiệp... Các chính sách đầu tư vào đây được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, như với các vùng khó khăn theo quy định hiện hành. Ví dụ các dự án năng lượng sạch,… được hưởng thuế suất 10%. Tất cả các thành phần kinh tế trong nước đầu tư vào vùng này được hưởng các ưu đãi tín dụng theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa triển khai thực hiện các Quyết định và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu địa phương nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách này của Thủ tướng Chính phủ; nhanh chóng tổ chức hội nghị chuyên đề, có sự tham gia của các bộ, ngành, nhà khoa học, nhà kinh tế để triển khai Quyết định của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh ngay sau hội nghị này sớm tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng và phát triển khu công nghiệp Chân Mây - Lăng Cô vốn cũng đang rất trì trệ trong thực hiện để liệt kê, cụ thể hóa các danh mục đầu tư tại khu vực này. Đối với hạng mục Cảng ở Chân Mây, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là Nhà nước không bỏ tiền đầu tư mà để cho tư nhân làm. "Nếu Vinalines không làm được thì thu hồi lại cho DN khác làm, cả cầu tàu và cầu hàng"- ông Huệ nói thẳng.

Trong lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng cho biết Thừa Thiên - Huế phải khắc phục thực trạng “giàu tiềm năng nhưng ít khả năng, không có sản phẩm dịch vụ du lịch nào ra tấm ra miếng”. Hiện giá trị của ngành du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên - Huế là 50% GDP của địa phương nhưng đóng góp vào ngân sách thì rất thấp. Tới năm 2020, tỉnh mới chỉ đặt mục tiêu du lịch, dịch vụ đóng góp từ khoảng 30% vào thu ngân sách địa phương.

Dẫn chứng về 10 đại diện du lịch của Việt Nam thì có 3 thứ liên quan tới Thừa Thiên - Huế đó là cố đô Huế, ẩm thực và áo dài, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương và các nhà đầu tư “phải biến lợi thế này từ tiềm năng thành khả năng, từ khả năng thành hiện thực”.

Về chính sách nhà nước, lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ có Đề án phát triển đô thị đặc thù Huế; xây dựng nguyên tắc về hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển cố đô Huế để bảo tồn gắn liền với khai thác hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của địa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới tính liên kết vùng trong phát triển du lịch đối với Thừa Thiên - Huế và các địa phương dọc bờ biển miền Trung để phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành này trong tương lai.

Bình luận của bạn