Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đề ra tái cơ cấu ngành công nghiệp; tái cơ cấu ngành năng lượng; tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu; tái cơ cấu thị trường trong nước; hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5 - 9%/năm.
Tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Trong đó, đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam.
Đối với công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước.Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài....