Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội

Nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn tại Thủ đô, sáng nay (18/8), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội chủ trì phối hợp với Nhóm dự án hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)) tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội”. 

Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội - cho biết: Với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55-60% lượng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75-80%). Sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm… do đó, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm rất khó khăn.

Do đó, hội nghị là cơ hội để cơ sở sản xuất tiêu biểu có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng; Doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh liên kết; Người tiêu dùng có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt hơn các sản phẩm an toàn được sản xuất và phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại hội nghị, các nhà sản xuất rau an toàn, các doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam đã được các chuyên gia của JICA chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai thành công các chương trình sản xuất rau an toàn thành công tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới.

Theo đại diện JICA, tại Nhật, người sản xuất và người mua cùng hợp tác để sản xuất và phân phối rau an toàn tới người tiêu dùng. Thiết lập sự đồng thuận giữa người sản xuất và người mua. Theo đó, người sản xuất và người mua cùng nhau lập kế hoạch sản xuất và thực hiện sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất đã lập. Sự hợp tác giữa người sản xuất và người mua được thực hiện thông qua các cuộc họp mặt trực tiếp của các bên liên quan nhằm thống nhất ý kiến về chất lượng và tiêu chuẩn giao hàng cho mỗi loại rau. Cuộc họp này sẽ thúc đẩy việc kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thay đổi chiến lược từ “Kiểm tra sản phẩm cuối cùng” sang “Kiểm soát từng giai đoạn”. Cải tiến biện pháp sử dụng hóa chất nông nghiệp…

Tại hội nghị đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các bên nhằm chia sẻ cách thức thúc đẩy thực hành kinh doanh trong sản xuất và phân phối rau an toàn; Kết nối kinh doanh giữa người sản xuất và người phân phối; Lễ ký Biên bản hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Hội nghị đã mang lại một thông điệp, một cách nghĩ và cách làm mới cho sản xuất rau an toàn. Đó là, người sản xuất xác định được trước nhu cầu khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thống với người tiêu dùng rồi mới sản xuất theo nhu cầu. Qua đó, tránh được tình trạng được mùa rớt giá hoặc bị tư thương ép giá trong thời gian qua.

Bình luận của bạn