Khan hiếm nguồn rau Tết
Hơn một tuần qua, người dân tranh thủ làm đất để xuống giống trồng lại vụ rau mới nhưng trời vẫn mưa, nắng thất thường khiến rau sinh trưởng chậm, bị sâu gây hại...
Trung tuần tháng Chạp, vựa rau xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) khá nhộn nhịp, người thì tranh thủ làm đất để xuống giống lại vụ rau mới, người thì chăm sóc rau bị sâu gây hại. Các đầu nậu thì chạy xe khắp các cánh đồng rau để đặt hàng nhưng đến đâu cũng bị “lắc đầu”.
Bà Nguyễn Thị Tám (57 tuổi) ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành), bạn hàng lâu năm của vựa rau này cho biết phần lớn diện tích rau đã xuống giống không kịp cung cấp cho thị trường trước Tết nên người trồng không dám nhận tiền trước. Tết này, cả người trồng lẫn người buôn rau đều “méo mặt”. Theo các chủ vườn, nếu thời tiết thuận lợi, các loại rau xà lách, mồng tơi, cải răm... vừa xuống giống hơn chục ngày sẽ phát triển tốt nhưng phải tới đầu tháng Giêng mới thu hoạch. Nghĩa là sau Tết mới có rau để bán.
Bà Lê Thị Đặng (45 tuổi) ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, nói với giọng đượm buồn: "Năm nay, gia đình tôi không có Tết, mưa lũ đã lấy đi hết rồi".
Đây là đợt thứ ba gia đình bà xuống giống trồng 7 sào cải răm và đậu cove. Những ngày qua, cả gia đình bà túc trực trên cánh đồng nhiều hơn ở nhà nhưng vẫn không chắc có rau để bán Tết. Trong khi đó, năm ngoái, trừ đi chi phí, công chăm sóc, gia đình bà Đặng lãi gần 20 triệu đồng từ tiền bán rau.
Người trồng rau ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) cũng vậy. Gần 10 ngày qua, các hộ trồng rau phải thuê nhân công từ các địa phương đến để làm đất, tranh thủ xuống giống vụ rau Tết, song do vẫn còn mưa nên họ chỉ dám xuống giống cầm chừng. Bà Nguyễn Thị Hạnh (50 tuổi) ở thôn An Lộc nói: “Bây giờ rau mới bắt đầu lớn. Nếu không mưa thì cố lắm đến 28 tháng Chạp mới có rau bán”.
Ông Đỗ Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, cho biết: “Toàn xã có khoảng 1.200 hộ trồng rau trên diện tích 65 ha, nhưng chỉ xuống giống được khoảng 40 ha. Ba đợt mưa lũ vừa qua khiến phần lớn diện tích rau Tết gần như mất trắng. Hơn tuần qua, người dân mới tập trung trồng lại nhưng đến thời điểm này, rau phát triển rất chậm nên có khả năng không kịp cung ứng thị trường Tết”.
Bên kia dòng Trà Khúc là thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) và xã Đức Hiệp (Mộ Đức) và Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) người dân trồng rau Tết cũng đang khóc ròng. Ông Phan Danh (55 tuổi) cho biết cho dù có làm “hết công suất” nhưng Tết này cũng không có rau để bán. “Mong rằng thời tiết thuận lợi, qua Tết có rau bán để bù đắp phần nào thiệt hại do mưa lũ”, ông Danh nói.
Hiện tại, giá rau xanh trên địa bàn Quảng Ngãi tăng rất cao, như mồng tơi, xà lách, rau muống giá 20.000 đồng/kg, cải răm 12.000 đồng/kg, đậu cove 18.000 đồng/kg, rau thơm 50.000 đồng/kg,... tăng gấp 2-3 lần so với giáp Tết năm ngoái. Đây là đợt tăng giá kỷ lục từ trước đến nay.