Khẩn trương đưa hàng Việt tới láng giềng!

Năm 2016, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung (AEC) nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đem “chuông đi đánh” ASEAN chưa nhiều

Trong khi đó, như Thái Lan, hàng năm họ đều tổ chức các hội chợ hàng Thái ở những thành phố lớn của Việt Nam…

Mãi đến đầu tháng 8 vừa qua, 20 doanh nghiệp HVNCLC, dưới sự dẫn dắt của hội DN.HVNCLC đã có chuyến "thâm nhập" thị trường Thái Lan cũng như các nước ASEAN trong hội chợ quốc tế ASEAN – ẤN ĐỘ.

Chọn chiến lược thâm nhập

Theo ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Long, Đông Nam Á là thị trường quan trọng của Thiên Long, do có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về thị hiếu, thói quen tiêu dùng. Do đó, ngay từ đầu, Thiên Long xây dựng bộ phận R&D nghiên cứu đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và đặc điểm tiêu dùng riêng biệt.

"Mỗi thị trường có những hành vi tiêu dùng khác nhau và Thiên Long khảo sát rất kỹ để lựa chọn hướng đi cũng như chọn sản phẩm phù hợp cho chiến lược thâm nhập", ông Thọ nói.

Là nhân viên phát triển thị trường đang làm việc tại Thái của Thiên Long, ông Lê Nhật Quý Thiệu cũng chia sẻ, trong khu vực ASEAN, Thiên Long làm thị trường theo hai "miếng" khác nhau. Thứ nhất là theo kiểu "gieo hạt gống", nghĩa là Thiên Long đi vào những thị trường mới nổi, như Campuchia, Myanmar, đầu tư vào khi thị trường chưa phát triển để lấy thị phần, danh tiếng. Thứ hai, đối với thị trường kiểu như "con bò sữa", đây là những thị trường có dân số đông, mức tiêu dùng tương đối như Philippines, Thái Lan.

Trong ASEAN, còn một dạng thị trường nữa có phân khúc khá cao là Malaysia, Singapore. Tại hai quốc gia này, Thiên Long đã vào được, đó là sự khẳng định thương hiệu Thiên Long so với khu vực ASEAN. "Thị trường hiện nay chúng tôi đang muốn phát triển và đã có những bước đi cơ bản là thị trường Indonesia, đây là thị trường tiềm năng và dân số đông nhất trong khu vực", anh Thiệu cho hay.

Trong khi đó, làm mưa làm gió ở thị trường trong nước với dòng sản phẩm Biti’s Hunter, ông Cường Nguyễn, giám đốc nhãn hàng Biti’s Hunter và phụ trách thị trường quốc tế, cho biết: trong buổi kết nối B2B với các đối tác Thái Lan, có bảy nhà phân phối sỉ lẻ, trong đó có tập đoàn bán lẻ Central Group đặt vấn đề ký hợp đồng với Biti’s.

Theo ông Cường Nguyễn, các đối tác Thái Lan đánh giá sản phẩm Biti’s Hunter có mẫu mã bắt mắt, trẻ trung, hợp thời trang. Và thêm một đặc điểm nữa mà đối tác Thái Lan "kết" sản phẩm Biti’s Hunter, đó là Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau về phân khúc thị trường, ở đó, các sản phẩm chất lượng tốt, giá cao hiện đang do các thương hiệu quốc tế thống lĩnh. Phân khúc giá thấp ở Thái Lan cũng như Việt Nam vẫn đầy dẫy hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy, theo ông Cường, Thái Lan chính là thị trường tiềm năng với Biti’s; bởi họ cần giá cả hợp lý, chất lượng tốt như những gì Biti’s đang theo đuổi tại Việt Nam.

Không chỉ là Thái Lan…

Còn bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, phó phòng xuất nhập nhập khẩu công ty thực phẩm Bích Chi, thì vui mừng cho biết, trong chuyến đi Thái Lan tham dự hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ vừa rồi, Bích Chi đã tìm ra một thị trường mới là Ấn Độ. Điều này vượt ngoài mong đợi của Bích Chi, bởi trước đây, đối tác Ấn Độ thường đặt hàng từ Trung Quốc, nay họ muốn chuyển sang mua sản phẩm của Việt Nam, trong đó các sản phẩm bánh tráng, bánh phồng tôm được họ ưa thích. Theo như bà Tuyền thì sau hội chợ này, Bích Chi dự kiến sẽ chuyển bốn container hàng bánh tráng, bánh phồng tôm sang Ấn Độ.

Một doanh nghiệp khác cũng có những hành trình ấn tượng để đưa hàng vào ASEAN, đó là công ty TNHH SX-TM DV Qui Phúc. Đến nay, sản phẩm Qui Phúc đã thâm nhập thành công vào các thị trường Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar…

Theo ông Nguyễn Tấn Thọ, giám đốc kinh doanh quốc tế Qui Phúc. Đối với thị trường Myanmar, Qui Phúc bắt đầu thâm nhập từ năm 2013. Còn đối với Campuchia, Qui Phúc đã bán từ lâu, nhưng bán qua trung gian và cũng xuất bán trực tiếp chính thức từ năm 2013.

Ông Thọ phân tích, không giống như Thái Lan và Malaysia, thị trường Campuchia và Myanmar có thị hiếu cũng như xu hướng tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, vì vậy trong quy cách, chủng loại hàng hoá không có gì đặc biệt. Tất cả hàng xuất khẩu đều giống như những hàng hoá được tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, đối với mặt hàng tủ nhựa Qui Phúc, khi xuất vào Myanmar, thì đại diện tại Myanmar có yêu cầu bổ sung thêm các hoạ tiết hoa lá trên tủ (chỉ hoa), để phù hợp với một số khách người Myanmar gốc Ấn, họ không chấp nhận các hình ảnh con vật, hay hình vẽ người trên các tủ nhựa. Nhìn chung, khi hàng hoá Qui Phúc được xuất vào hai thị trường này thì khách hàng rất tin tưởng chất lượng và nhiệt tình ủng hộ hàng Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm của Qui Phúc phủ tốt tại các thị trường trọng yếu của Campuchia như Phnom Penh, Battambang, Siem Reap. Riêng Myanmar, thị trường này khá tiềm năng và phát triển tốt. Qui Phúc chỉ mới tiếp cận hai thành phố lớn Yangon và Mandalay, và các tỉnh lân cận. Những mặt hàng được ưa chuộng tại đây là tủ nhựa, bàn ghế nhựa, bàn ghế inox và giường sắt.

Hiện nay, mỗi năm Qui Phúc xuất một lượng hàng hoá khoảng 250 – 260 container 40HC. Chúng tôi đặt mục tiêu năm nay sẽ xuất khoảng 300 container.

Bình luận của bạn