Kinh tế Việt Nam 2016 sẽ khởi sắc
Mặc dù có những lo ngại về áp lực của nền kinh tế thế giới đối với lãi suất và tỷ giá cũng như áp lực do gia tăng nợ công trong nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vẫn khá lạc quan khi đưa ra dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ khởi sắc.
Theo đánh giá của NFSC, thương mại thế giới trong năm 2016 dự báo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể: Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng từ 3,0% năm 2015 lên 3,9% trong năm 2016. Giá hàng hóa thế giới mặc dù dự báo tiếp tục giảm nhưng mức độ giảm sẽ thấp hơn năm 2015. NFSC dẫn chứng: Năm 2015, giá hàng công nghiệp giảm 4,1%, giá dầu giảm 46,4% và giá hàng hóa cơ bản ngoài dầu giảm 16,9%, giúp làm giảm lạm phát các nước, trong đó lạm phát bình quân các nước ASEAN-5 giảm từ 4,5% xuống 3,7%. Năm 2016, dự báo giá hàng công nghiệp chỉ giảm 0,7%, giá dầu giảm 2,4% và giá hàng hóa cơ bản ngoài dầu giảm 5,1%.
Xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng cao hơn so với năm 2015 nhờ kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong năm 2016 sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam- NSFC nhận định.
Những phân tích của NFSC hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn trên tổng thể sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2015. Chỉ tính riêng lĩnh vực tín dụng, tăng trưởng đã vượt mục tiêu. Nếu như các năm trước, những tháng cuối năm, ngân hàng thương mại thường phải thúc các chi nhánh để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì năm 2015 phải “hãm phanh” ngay từ cuối tháng 11.
Tổng hợp các yếu tố, NFSC dự báo: Năm 2016, lạm phát cơ bản không cao hơn nhiều so với năm 2015, chỉ khoảng 3%. Mặc dù đầu tư từ ngân sách nhà nước có thể giảm từ 11,5% GDP năm 2015 xuống 10,5% GDP năm 2016, nhưng do khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân cao hơn nên vốn đầu tư toàn xã hội vẫn có thể đạt tới 31% GDP. Đồng thời, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng khá hơn rất nhiều, khả năng đầu tư mở rộng sản xuất- kinh doanh cũng khả quan hơn...
Tuy nhiên, NFSC cũng cho rằng, năm 2016, kinh tế và thương mại thế giới phục hồi nhưng vẫn tồn tại không ít khó khăn. Thêm nữa, dư địa cho hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài khóa không còn nhiều. Vì thế, NFSC khuyến nghị: Chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cần đề phòng áp lực từ môi trường kinh tế thế giới đối với lãi suất và tỷ giá, cũng như áp lực từ gia tăng nợ công trong nước.