Kỳ 1: Bệ đỡ cho hàng Việt vươn xa toàn cầu

Nhờ tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ một ngành non trẻ, thương mại điện tử đã trở thành 'trợ thủ' dẫn dắt nền kinh tế số Việt Nam.

LTS: Nếu như 10 năm trước, bán hàng online - thương mại điện tử vẫn còn là một ẩn số với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thì nay, nhờ trợ lực từ khoa học công nghệ, người người, nhà nhà đã “lên sàn” với doanh thu tăng trưởng ngoài sức mong đợi. Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử nói chung, xuất khẩu trực tuyến - thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng chuyển đổi số, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và góp phần từng bước hiện thực hoá khát vọng hội nhập kinh tế quốc tế, đưa giấc mơ hàng Việt vươn xa toàn cầu.

Tận dụng thành quả từ khoa học công nghệ

Xác định lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam đều đã nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đảng, Nhà nước ta cũng rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Kỳ 1: “Bệ đỡ” cho hàng Việt vươn xa toàn cầu

Thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam

Đánh giá về các quyết sách của Chính phủ đối với lĩnh vực quản lý của ngành, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc ứng dụng thương mại điện tử nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và tạo nhiều điều kiện để phát triển. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đồng hành trong hành trình ứng dụng thương mại điện tử và vươn ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là một trong những nội dung quan trọng.

"Kế hoạch đã nêu ra định hướng cần tập trung thực hiện trong phát triển thương mại điện tử của Việt Nam. Trong đó cần xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín..." - bà Lại Việt Anh thông tin.

Nhận định thêm về hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu trực tuyến, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, nhờ các chính sách, quy định, nghị định và văn bản của Chính phủ đã giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) được hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030”.

Ví dụ, tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng trên những nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp này.

Tại Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng quy định rất nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực, đào tạo ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp đến các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc những chương trình thương mại điện tử thường niên để kích cầu thị trường, mở rộng thị trường bán hàng xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử.

Đáng chú ý, Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đặt mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối hàng hóa toàn cầu, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến là một giải pháp cốt lõi.

Theo Bộ Công Thương, nhằm thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, cụ thể, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2924/QĐ-BCT ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023. Đặc biệt, từ chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã thực hiện hàng loạt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh trên thương mại điện tử.

Kỳ 1: “Bệ đỡ” để hàng Việt vươn xa toàn cầu

“Amazon Week 2022: Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới" lần lượt được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lại Việt Anh thông tin, bên cạnh việc ký kết các hiệp định hợp tác với các đối tác trong khu vực và quốc tế, mới đây, ngày 13/10/2023, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hoạt động thương mại số tại Việt Nam.

“Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số tại Việt Nam được xây dựng và triển khai nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp 2 nước. Đồng thời, nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động thương mại số thông qua các nền tảng, công cụ phát triển thương mại số, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp” - Phó Cục trưởng Lại Việt Anh nói.

Thực tế cho thấy, diện mạo bức tranh thương mại điện từ Việt Nam sau 10 năm đã có sự khởi sắc rõ rệt. Theo nhận định của các chuyên gia, tkhi thu nhập của người dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phát triển, hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tăng trưởng ngoạn mục và những con số “biết nói”

Tính đến thời điểm hiện tại, công cuộc chuyển đổi số đang ở giai đoạn bứt tốc. Nếu như 2 năm đại dịch 2020-2021, chuyển đổi số được thực hiện song song, đồng hành và có phần âm thầm thì từ năm 2022 đến nay, chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn tăng tốc, gặt hái hiệu quả ước lượng được.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này nhấn mạnh thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Dựa trên số liệu thu thập được từ một số tổ chức uy tín trên thế giới và kết quả điều tra từ khoảng 11.000 cá nhân người tiêu dùng và gần 10.000 doanh nghiệp, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Năm 2021, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ XX: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.

Kỳ 1: “Bệ đỡ” cho hàng Việt vươn xa toàn cầu

Amazon Global Selling và Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - thuộc Bộ Công Thương đồng khai mạc Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới “Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu”, tháng 6/2023.

Áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại đã giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp áp dụng các dịch vụ Internet, công nghệ để mua bán sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, có trên 95% doanh nghiệp kỹ thuật số chấp nhận thanh toán qua Internet, 79% sử dụng hình thức chuyển tiền kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay trên Internet… Mỗi doanh nghiệp sử dụng trung bình 2 nền tảng số để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là trung tâm đổi mới hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới với hoạt động thương mại, đầu tư tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục với 1,37 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục…

Hiện nay, trên 50% các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”.

Năm 2020, Bộ Công Thương và chính quyền các cấp đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế đa quốc gia, trên 1 triệu phiên giao dịch với những đối tác quốc tế bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đáng chú ý, bức tranh nhiều điểm sáng của thương mại điện tử cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 1 trong 6 kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số trong năm qua là, Việt Nam - quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 và dự báo năm 2024 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) mới đây vừa công bố cũng cho thấy, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo con số này sẽ đạt khoảng gần 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Khanh - Trưởng chi hội miền Trung, Tây Nguyên thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: Trong thời gian gần đây, thông qua sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử và Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử đã đạt được một số kết quả nhất định: Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu thông qua việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và tham gia vào các sự kiện, triển lãm trực tuyến quốc tế.

"Hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử đã góp phần tăng cường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và thời trang. Việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu “chóng mặt” mà còn là “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp xây dựng và củng cố uy tín của mình trên thị trường quốc tế, thâm nhập sâu hơn vào sân chơi thương mại xuyên biên giới toàn cầu" - ông Võ Văn Khanh nhận định.

Hiệp hội thương mại điện tử cũng thường có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và ngành nghề liên quan; hợp tác với các bộ, ngành và doanh nghiệp khác trong việc tổ chức các sự kiện, chương trình hỗ trợ và đào tạo, nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật về thương mại điện tử. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử theo hướng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đang có những thời cơ thuận lợi và dự báo về một kỷ nguyên bứt phá trong tương lai.

 

Bình luận của bạn