Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Ngày 24/5, biểu lãi suất huy động mới nhất được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank công bố. Trong đó có một thay đổi là các khách hàng gửi mới ở kỳ hạn 6 tháng chỉ được hưởng lãi 5,5% thay vì mức 5,6% như trước đó. 

Riêng kỳ hạn 36 tháng, với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, trước đây áp lãi suất 8% một năm thì hiện giờ cũng xuống 7,8% một năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng.

Tương tự, hôm 17/5, Sacombank đã chính thức điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt từ 0,05-0,1%. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8% xuống 5,7% một năm. Với kỳ hạn 12 và 18 tháng, lãi suất về lần lượt 6,5% và 6,55%, giảm 0,05% và 0,1%.

Không riêng Eximbank, Sacombank, từ 11/5, Ngân hàng Á Châu - ACB cũng áp dụng biểu lãi suất gửi tiền đồng mới, trong đó đáng chú ý là kỳ hạn 9 tháng đã điều chỉnh giảm 0,1% từ mức 5,6% xuống 5,5% một năm. Và hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,8% thuộc về kỳ hạn 36 tháng.

Lãi tiết kiệm tại các ông lớn quốc doanh dù không giảm trong đợt này nhưng nhìn chung cũng ở mức thấp so với mặt bằng. Như tại Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank), lãi suất 6-9 tháng đều áp 5,4% một năm. Và mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng hiện nay là 6,5%. 

Như vậy, sau nhiều đợt tăng lãi suất huy động liên tiếp, đây được xem là lần điều chỉnh giảm đầu tiên của các ngân hàng thương mại suốt nhiều tháng qua. 

Trao đổi với VnExpress, đại diện Eximbank cho biết, động thái này chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động của nhà băng một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, theo bà, mức thay đổi tương đối nhỏ nên không tác động gì nhiều đến mặt bằng lãi suất chung.

Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần phía Nam thì cho rằng, trong bối cảnh này, khả năng lãi suất huy động tại các nhà băng hạ tiếp là hoàn toàn có thể xảy ra. "Nếu nền kinh tế còn tăng trưởng chậm như quý I, lạm phát thấp thì cơ hội để lãi suất giảm là có. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất", ông chia sẻ.

Hơn nữa, việc hạ lãi suất lần này được xem là cách gần nhất giúp các nhà băng có thể giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp. Trước đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng truyền đi thông điệp dù khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn phấn đấu giảm khoảng 1% lãi suất trong năm nay. Bản thân các nhà băng lớn cũng cam kết sẽ tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí quản lý để tạo dư địa giảm lãi suất. 

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định luôn điều hành lãi suất thị trường II (thị trường liên ngân hàng) phù hợp với tương quan lãi suất thị trường I (thị trường các huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân) để neo giữ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Qua đó, cơ quan này sẽ tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, không gây áp lực lên tỷ giá.

Bình luận của bạn