Loạt dự án giao thông "khủng" hàng chục tỷ USD sắp ra mắt
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 4 (nhóm) dự án giao thông thuộc diện dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Các dự án này gồm có đường bộ cao tốc Bắc Nam (tổng vốn dự kiến xấp xỉ 230.000 tỷ đồng), dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (khoảng 16,3 tỷ USD, riêng trong giai đoạn 2016-2020 là 5.000 tỷ đồng); dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án Tuyến đường ven biển.
Theo Đề án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, đoạn Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến có tổng chiều dài 1.373 km, quy mô 4-6 làn xe, chia làm 20 dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự kiến là 229.826 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu vốn gồm huy động tư nhân 136.282,5 tỷ đồng; vốn tham gia của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, tư vấn, xây lắp, dự phòng là 93.543,5 tỷ đồng.
Trên cơ sở tiến độ của các dự án thành phần, dự kiến kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2022 để bố trí cho dự án như sau: năm 2017 là 8.458 tỷ đồng; năm 2018 là 16.559 tỷ đồng; năm 2019 là 26.988 tỷ đồng; năm 2020 là 22.688 tỷ đồng; năm 2021 là 14.067 tỷ đồng; năm 2022 là 4.784 tỷ đồng.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến sử dụng 70.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ làm phần vốn góp Nhà nước để huy động các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư hoàn thành dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Với dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, theo quy hoạch có quy mô 100 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16,3 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5,9 tỷ USD, đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách (công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, hoàn thành vào năm 2025).
Dự kiến bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, vốn ngân sách Nhà nước (giải phóng mặt bằng, xây dựng nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, đài chỉ huy, giao thông kết nối khu vực cảng...) là 21.886 tỷ đồng, trong đó riêng giải phóng mặt bằng, tái định cư là 18.544,3 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí giai đoạn 2016-2020 chủ yếu tập trung đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ; phần còn thiếu sẽ xử lý trong quá trình điều hành khi có nguồn vượt thu và một phần chuyển bố trí qua giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2020, sẽ huy động nguồn vốn để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ; mua sắm trang thiết bị phục vụ bay... khoảng 38.000 tỷ đồng theo cơ chế cho vay lại. Chính phủ Nhật Bản đang quan tâm tài trợ ODA. Đồng thời huy động vốn tư nhân để xây dựng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá.. là 54.726 tỷ đồng.
Về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì giai đoạn 2016-2020 chủ yếu mới tập trung lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo quy định để thực hiện trong giai đoạn 2022-2030 và hoàn thành vào năm 2050.
Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm hỗ trợ cho một số đoạn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.
Đối với Tuyến đường ven biển, giai đoạn 2016-2020 đang ưu tiên đầu tư một số đoạn tuyến đường và cầu thực sự cấp bách theo Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. Do khả năng cân đối vốn khó khăn, trước mắt giai đoạn 2016-2020 chỉ đầu tư đoạn cấp bách nhất Hải Phòng - Thái Bình nhằm tạo điều kiện cho địa phương khai thác vùng bãi bồi ven biển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Nam sông Hồng.
Trong đó, đoạn Hải Phòng dài 29 km, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng đầu tư theo hình thức PPP (Tổng công ty xây dựng số 1 đầu tư) trong đó vốn góp của Nhà nước là 1.000 tỷ đồng. Đoạn Thái Bình dài 15km, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư từ nguồn vốn ODA (hiện WB đang quan tâm cho vay).