Mang cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - Châu Phi tới doanh nghiệp Lâm Đồng
Sáng 7/12, Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi- Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Giới thiệu thị trường Trung Đông- Châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa” với sự tham gia của lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi, Sở Công Thương Lâm Đồng, Đại sứ, đại diện một số tổ chức quốc tế và đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Vụ phó Vụ Thị trường Châu Á- Châu Phi thì Châu Phi là châu lục đứng thứ ba trên thế giới về dân số, và lớn thứ ba trên thế giới về diện tích, sau châu Á và châu Mỹ. Điều kiện tự nhiên của nhiều nước châu Phi không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên khả năng canh tác, sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân thấp, khiến nhiều nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại. Còn Trung Đông là khu vực có nhiều dầu mỏ và các tài nguyên khoáng sản khác, có hoạt động thương mại phát triển, sức mua lớn và khả năng thanh toán cao. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đạt khoảng 807 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD. Đây cũng là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục châu Á, châu Âu và châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh. Đặc biệt, Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.
Theo ông Hoàn, Bộ Công Thương, với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa về phục vụ tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Phi. Trong một thời gian dài, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… mà gần như bỏ quên thị trường Trung Đông và châu Phi, trong khi đây là thị trường có sức mua lớn, lại tương đối dễ tính nên phù hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam…
Tại hội thảo, bà Cao Thị Thanh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế về công nghệ nông sản như rau , hoa, cà phê… Tuy nhiên, hiện vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều nông trại lớn. Sản phẩm làm ra chủ yếu vẫn bán trong thị trường nội địa, xuất khẩu còn hạn chế hoặc phải qua địa phương khác, hoặc xuất khẩu ủy thác… khiến rất bất lợi, không phát huy hết lợi thế vựa rau, hoa, cà phê đã có thương hiệu…
Theo bà Thanh, thị trường Trung Đông và Châu Phi là tiềm năng rất lớn, Lâm Đồng có nhiều cơ hội để xuất khẩu, nhất là mặt hàng cà phê và các sản phẩm. Tuy nhiên, để vào được thị trường Trung Đông- Châu Phi thì không chỉ địa phương mà Bộ Công Thương cũng cần có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn có động lực để tìm kiếm, xuất khẩu ở những thị trường có nhiều nhu cầu như Trung Đông- Châu Phi.
Đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Ngô Mai Hoa trình bày, từ một cơ sở sản xuất nhỏ về sấy khoai lang và quả hồng bằng… than, từ năm 2010 công ty đã sử dụng công nghệ điện hiện đại nên quy mô đã tăng lên 64 ngàn tấn/năm. Ngoài ra, công ty mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất nước cốt trái cây. Hàng hóa của Công ty đã có mặt hầu khắp trên cả nước, trong nhiều hệ thống siêu thị, tuy nhiên, xuất khẩu thì chưa có cơ hội.
“Năm 2018, Công ty có kế hoạch đạt quy chuẩn ISO 22.000 để phục vụ công tác xuất khẩu. Hội thảo này rất có ích khi chúng tôi nắm được thông tin, những ưu thế của thị trường Trung Đông- Châu Phi để tiến ra thị trường quốc tế”, đại diện Công ty Ngô Mai Hoa chia sẻ.
Tại hội thảo, những thắc mắc, vấn đề về thị trường Trung Đông- Châu Phi của các doanh nghiệp được ông Ngô Khải Hoàn giải đạp, trả lời thấu đáo, tận tình đã góp thêm nhiều động lực để các doanh nghiệp tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung tiếp cận thị trường giàu tiềm năng Trung Đông- Châu Phi.