Mở cửa trời Tây cho nước mắm Việt
Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ sớm có hiệu lực, sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu lần đầu vào ngày 21.1.2020 và toàn thể vào tháng 2.2020. Ông Trần Văn Bách, đầu bếp một nhà hàng ở Wigan, Vương quốc Anh, hy vọng sẽ mua được nước mắm Việt Nam với giá rẻ hơn. “Tôi thích hương vị nước mắm Việt nhưng vẫn sử dụng nước mắm cá mực của Thái để chế biến món ăn vì giá rẻ hơn”. Theo ông Bách, một người Việt sống tại châu Âu hơn 40 năm, nước mắm Việt mới xuất hiện vài năm gần đây, trong khi nước mắm Thái đã có mặt ở châu Âu từ rất lâu.
Những chai nước mắm Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu chính thức vào EU năm 1998, sau khi Hưng Thành ở Phú Quốc và một số nhà sản xuất khác được cấp EU Code: NM 138, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn EU. Thế nhưng, Việt Nam đã không tạo được bứt phá trong xuất khẩu sản phẩm này.
Nguyên liệu cạn kiệt là rào cản lớn đối với việc xuất khẩu nước mắm. Tại Phú Quốc, tổng sản lượng nước mắm đã giảm kể từ năm 2013 do thiếu nguyên liệu cá cơm, trong khi thương lái Trung Quốc liên tiếp tổ chức các đợt thu mua. Theo ông Nguyễn Trung Long, Nhà thùng Long Phụng ở An Thới, tại thời điểm này, giá cá cơm tươi giao cho nhà thùng đã lên tới 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức 15.000-17.000 đồng/kg năm 2017.
Quy mô Nhà thùng Long Phụng 4 đã thu hẹp, giảm xuống 40 thùng, sau cơn bão “đặc khu kinh tế” tràn qua Phú Quốc đầu năm ngoái. Tại An Thới, hiện chỉ còn “mười mấy nhà thùng làm nước mắm”, ông Long nói giữa lúc giá đất Phú Quốc lại rục rịch tăng. Một nhà thùng gần Long Phụng đang rao bán với giá 80 tỉ đồng, ngay khi nghe tin Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế hồi đầu tháng 9.2019.
Đảo Phú Quốc có 58 nhà thùng, sản xuất 25-30 triệu lít nước mắm mỗi năm, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng nước mắm truyền thống của cả nước, theo Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc. Chuyện nhà thùng không muốn làm nước mắm đã trở thành vấn đề lớn đối với các công ty có kế hoạch xuất khẩu sang EU, bao gồm cả Masan, doanh nghiệp đang chiếm 70% thị phần nước mắm và nước tương. Theo bà Lê Thị Nga, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cấp cao của Masan, số lượng 448 thùng mắm đang ủ chượp, mỗi thùng chứa 7-10 tấn cá, chỉ đáp ứng được 15% tổng nhu cầu mắm cốt nguyên liệu của Công ty. Công ty đang phải bổ sung nguồn nguyên liệu từ các vùng khác như Nha Trang, Phan Thiết, mới có thể đáp ứng căn bản nhu cầu sản xuất.
Trong khi ngành nước mắm Việt Nam đang bối rối với những vấn đề nội tại, thì các nhãn hiệu nổi tiếng của người Thái, như Golden Boy, MegaChef, Squid... được bày bán trong nhiều siêu thị lớn ở EU. Thái Lan đã vượt lên để trở thành một quốc gia có thặng dư về nước mắm, xuất khẩu khoảng 70 triệu USD nhờ sự nhất quán trong mục tiêu và những chính sách cụ thể, sử dụng tiêu chuẩn Codec cho sản xuất nước mắm để xuất khẩu, làm riêng nhãn hiệu nước mắm Liquid Thái Lan phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, các nhà sản xuất Thái còn được miễn thuế doanh nghiệp trong 5 năm khi mở rộng xuất khẩu và miễn thuế máy móc, vật liệu phục vụ xuất khẩu trong 1 năm, theo Luật Hỗ trợ Đầu tư 2015.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục Trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, điều kiện tiên quyết tăng xuất khẩu vào EU vẫn là đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm định động thực vật, giám sát quy trình chế biến... Nước mắm Việt Nam vẫn có thể giành lại thị phần châu Âu từ chính kinh nghiệm của Thái Lan. Việc Thái Lan có được ngành công nghiệp sản xuất nước mắm trị giá khoảng 300 triệu USD/năm, theo VTV, là nhờ Chính phủ Thái một mặt thúc đẩy sự đồng thuận từ các tổ chức trên thế giới cho việc thành lập Phòng Tiêu chuẩn công nghiệp, nhưng mặt khác lại giám sát chặt chẽ việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của các nhà sản xuất trong nước.
Một cơ hội lớn cho Việt Nam là những ưu đãi có được từ EVFTA, cùng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm lên tới 99,7% và 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại sẽ áp dụng thuế 0% trong hạn ngạch. Chi phí xúc tiến thương mại đưa nước mắm vào EU tốn kém hơn một số thị trường khác, nhưng sẽ được bù lại bằng việc nhà sản xuất có thể bán thẳng cho siêu thị mà không bị chiết khấu, trong khi chu kỳ thanh toán cũng ngắn hơn. Các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đăng ký với Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, đơn vị chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến xuất khẩu thủy sản vào EU bao gồm kiểm tra, đánh giá và cấp mã số.
Tất nhiên, các thương hiệu nước mắm Việt Nam không thể đơn độc vào EU mà cần được đặt trong một hiệp hội thống nhất, với một chiến lược quảng bá chung của toàn ngành. Một tin vui là Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã có kế hoạch kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Như vậy, ngành nước mắm Việt Nam sẽ có cơ hội xây dựng một chiến lược đủ mạnh để cạnh tranh với người Thái trên thị trường châu Âu.