Mô hình bếp chung xuất hiện ở Việt Nam

Tọa lạc tại quận Thủ Đức, TP HCM, khu 'bếp chung' GrabKitchen do Grab đầu tư vừa đi vào vận hành sau một tháng thử nghiệm. Công ty gọi đây là mô hình 'căn bếp trung tâm' (cloud kitchen).

Theo đó, dự án đầu tiên tại Việt Nam quy tụ 12 thương hiệu nhà hàng, quán ăn. Mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản, kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến sẽ do nhà hàng tự lắp đặt. Grab không thu tiền thuê mặt bằng mà chỉ lấy tiền điện, nước và ăn chia 'hoa hồng' trên đơn hàng.

"Việt Nam là nước thứ hai chúng tôi triển khai mô hình GrabKitchen. Riêng tại thị trường Indonesia, tính đến tháng 9 năm nay, chỉ trong vòng 6 tháng, chúng tôi đã mở 10 'căn bếp trung tâm', hướng đến mục tiêu đạt 50 địa điểm vào cuối năm nay. Tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng mô hình cũng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ", ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam nói sẽ lập thêm các 'bếp trung tâm' tại TP HCM trong năm nay và mở rộng ra Hà Nội, Đà Nẵng vào năm sau.

 'Bếp trung tâm' hay 'bếp chung' vốn không còn xa lạ ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ những năm gần đây. Mô hình này bùng nổ nhờ vào nhu cầu đặt thức ăn qua ứng dụng tăng cao của người dùng.

Tại các nước này, 'bếp chung' thường do các đơn vị chuyên phát triển các chuỗi bếp chung xây dựng và cho thuê. Một số cái tên có thể kể đến như Panda Selected (Trung Quốc), Cafe Coffee Day, BOX8 (Ấn Độ), Sentoen (Nhật Bản).

Các nhà hàng sẽ thuê bếp theo tháng hoặc thậm chí theo buổi nhất định trong ngày. Phần nhiều nhà hàng hoạt động hoàn toàn dựa vào khách đặt qua ứng dụng và không có địa điểm kinh doanh trực tiếp để đón khách.

Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, các bếp hoạt động trong 'bếp trung tâm' do Grab triển khai là chi nhánh chế biến của những nhà hàng được yêu thích trên ứng dụng GrabFood. Nền tảng này dùng 'bếp trung tâm' để khai thác tối đa những địa điểm có nhu cầu cao nhưng quá xa các nhà hàng 'hot'. Đây là cách để thoả mãn người dùng, tối đa hoá tiềm năng doanh thu cho quán ăn khả năng xoay vòng đơn cho tài xế và tránh việc 'bỏ trống địa bàn' cho đối thủ.

"Dựa trên các dự liệu phân tích, chúng tôi nhận thấy Thủ Đức là nơi có nhu cầu gọi món cao bởi nhân khẩu học trẻ, lực lượng học sinh, sinh viên và công nhân đông đảo nhưng nhiều nhà hàng họ yêu thích lại quá xa", ông Jerry Lim nói thêm.

Ông Lâm Thành - Chủ thương hiệu Tiện ăn Chợ Lớn cho biết vào đặt chi nhánh chế biến trong 'bếp trung tâm' thì không cần quan tâm về mặt bằng, hạ tầng, quản lý, chỉ cần tập trung vào chế biến. Bà Phương Mai, chủ thương hiệu Cơm văn phòng Rio cũng đồng quan điểm. 'Vào đây chỉ cần lo nấu và giao thôi", bà Mai nói.

Trong nửa đầu năm 2019, GrabFood cho biết tổng giá trị giao dịch của nền tảng này tăng 400%, số lượng đơn hàng xử lý trung bình hàng ngày là 300.000. Việc GrabFood 'tung chiêu' bếp chung để hoàn thiện hệ sinh thái trong giai đoạn hiện tại có thể xem là bước chuẩn bị hùng hậu để đón đầu xu thế sắp tới.

Báo cáo mới đây của Google, Temasek Holdings và Bain & Co nhận xét, Grab và Go-Jek đang dẫn đầu trong phân phối thực phẩm trực tuyến tại Đông Nam Á trong bối cảnh mảng này lại đang nhanh chónh trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng và lợi nhuận của họ.

Lĩnh vực gọi xe, mà gọi thức ăn là một thành phần con, tại khu vực hiện có quy mô 13 tỷ USD. Trước đó, Google và Temasek từng dự báo quy mô của nó sẽ tăng lên 29 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, trong báo cáo gần nhất, quy mô dự báo đã được điều chỉnh thành 40 tỷ USD bởi giao thức ăn đang bùng nổ mạnh.

"Bằng cách tránh cho người dùng sự bất tiện của thời tiết ẩm ướt và ùn tắc giao thông, giao thức ăn trở nên đặc biệt phổ biến ở đô thị", báo cáo nhận xét.

 Cũng theo nghiên cứu này, mỗi người dân đô thị ở TP HCM và Hà Nội đang chi 364 USD (gần 8,5 triệu đồng) mỗi năm cho các hoạt động kinh tế trên Internet, bao gồm mua hàng trực tuyến, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và gọi xe (gồm cả gọi đồ ăn). Dấu hiệu thị trường cho thấy, chỉ riêng ở mảng gọi đồ ăn, không ít nền tảng đang muốn túi tiền của người tiêu dùng chảy vào tay mình.

Sau khi Lala rời thị trường, đối thủ của GrabFood giờ còn Now vốn hiện diện lâu năm và GoFood của Go-Viet, với hoạt động khuyến mãi không ngừng nghỉ. Một cái tên mới mẻ hơn nhưng dần phổ biến ở một số quận TP HCM là Baemin của 'kỳ lân' startup Hàn Quốc Woowa Brothers. Trong tương lai gần, có ít nhất 2 nền tảng  đã xác nhận tham gia 'cuộc chiến' giao đồ ăn, gồm 'be' với beFood và Vato.

"Việc sử dụng mã khuyến mãi và các chiến dịch tiếp thị chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng để thuyết phục mọi người dùng thử dịch vụ. Nhưng ngày càng nhiều lựa chọn ẩm thực, bao gồm các bữa ăn giá phải chăng, thì giao diện người dùng hấp dẫn và giao hàng nhanh chóng trở thành yếu tố quyết định", báo cáo của Google và Temasek nhận định về lĩnh vực này.

Bình luận của bạn