Mùa vải thiều Bắc Giang 2017 thắng lợi ngoài mong đợi
Đánh giá kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân thành công và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho mùa vải thiều 2018, ngày 2/8, tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2017.
Năm 2017 thời tiết không thuận hòa cho cây vải thiều Bắc Giang đơm hoa, kết trái nên sản lượng chỉ đạt hơn 91 nghìn tấn, giảm 40% so với năm 2016. Tuy nhiên, chất lượng và giá bán quả vải lại cao nhất từ trước đến nay, khiến người dân vô cùng phấn khởi.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết: Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phân hóa mầm hoa và năng suất. Song, bằng cách áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân nên nhiều hộ vẫn có sản lượng lớn, mẫu mã đẹp. Trên 1.000 hộ có vườn vải thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, có những hộ gia đình có thu nhập tới trên 800 triệu đồng, như hộ ông Dương Văn Sáng hay Nguyễn Văn Hiền ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn...
Điều đáng nói, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tăng hơn so với năm 2016 và được duy trì, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, sản lượng quả vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản... tương đối lớn.
Năm nay, thị trường tiêu thụ quả vải của Bắc Giang cũng có sự chuyển dịch. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa đạt gần 55 nghìn tấn, chiếm 60% sản lượng. Những địa phương tiêu thụ lượng vải thiều lớn như: Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Riêng thị trường phía Nam tiêu thụ trên 19.105 tấn, chiếm khoảng 34,8% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Với thị trường xuất khẩu, năm nay được đánh giá đa dạng hơn mọi năm. Báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, tổng sản lượng xuất khẩu vải năm 2017 đạt trên 36.600 tấn, bằng 40% tổng sản lượng quả vải của tỉnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 76,5% tổng sản lượng xuất khẩu, đạt 28.000 tấn. Bên cạnh đó, quả vải còn tiếp tục được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2017 lần đầu tiên quả vải thiều của Bắc Giang tiến vào thị trường Dubai, Hà Lan, Thái Lan. Tính đến thời điểm hiện nay, vải thiều của Bắc Giang đã được xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Đánh giá kết quả mùa vải thiều năm 2017, ông Trần Quang Tấn nhấn mạnh: Với giá bán vải thiều sớm từ 40-60 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 83 nghìn đồng/kg; vải thiều chính vụ từ 18-55 nghìn đồng/kg; giá xuất khẩu trung bình đạt 58 nghìn đồng/kg... là giá trị cao nhất trong 6 thập kỷ qua mà Bắc Giang có được. Kết quả này cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực và trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành và cơ quan truyền thông; đặc biệt là sự triển khai có hiệu quả các chính sách liên kết nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - chúc mừng kết quả đã đạt được trong công tác tổ chức tiêu thụ vải thiểu của tỉnh Bắc Giang trong niên vụ vải 2017, đồng thời nhấn mạnh: “Từ việc chủ động về thị trường tiêu thụ quả vải chúng ta đã tránh được tình trạng các thương lái trong và ngoài nước ép giá, ép cấp quả vải, từ đó góp phần nâng cao giá trị quả vải, tăng thu nhập và niềm tin cho bà con sản xuất vải, đước đầu đã hạn chế được tình trạng “mất mùa được giá và được mùa thì mất giá...”.
Tiếp nối thành công từ vụ vải năm 2017, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2018, thị trường tiêu thụ nội địa sẽ đạt 65% tổng sản lượng toàn tỉnh và tăng dần cho các năm tiếp theo. Ngoài các thị trường truyền thống có sức tiêu thụ lớn, tỉnh Bắc Giang sẽ chú trọng khai thông các thị trường mới, tiềm năng như các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều sang các thị trường mới, khó tính khác; chú trọng xuất khẩu vải thiều đóng gói, chế biến có giá trị gia tăng cao...
Để mùa vải năm 2018 tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối, quảng bá, tiêu thụ vải thiều cả trong và ngoài nước, thông qua các hoạt động thương mại. Hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường, các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng thị trường. Giới thiệu cho Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân lớn, uy tín tham gia quá trình tiêu thụ vải thiều... Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác hỗ trợ đầu tư cho tỉnh triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong bảo quản và chế biến vải thiều; có biện pháp phòng ngừa, kỹ thuật canh tác phù hợp giúp người nông dân giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất, tăng năng suất, chất lượng...