Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu

Là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại khu vực ASEAN, nhiều năm nay, Việt Nam liên tiếp nhập siêu (NS) từ Thái Lan. Theo các chuyên gia, cần kiên định mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt nếu muốn chặn đà NS mạnh từ quốc gia này.  

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,6 tỷ USD; nhập khẩu (NK) từ Thái Lan đạt gần 5,66 tỷ USD. Như vậy tính đến hết tháng 7, nước ta NS từ Thái Lan gần 3 tỷ USD, tăng 465 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016. Thái Lan cũng là thị trường XK lớn thứ 9 của nước ta, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch XK; thị trường NK lớn thứ 4, chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch NK. Trong khu vực ASEAN, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường NK lớn thứ 4 của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân chính khiến Việt Nam NS mạnh từ Thái Lan, ông Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, hàng hóa của ta và Thái Lan có sự tương đồng về cơ cấu, nhưng sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta kém hơn. Hiện nay, Việt Nam đang XK sang Thái Lan các mặt hàng như điện thoại di động, dầu thô, phương tiện vận tải, dệt may, nông sản… Tuy nhiên, ngoại trừ điện thoại di động, các mặt hàng khác có lượng XK không nhiều do không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam NK từ Thái Lan nhiều mặt hàng có giá trị cao như đồ điện gia dụng, ôtô và phụ tùng ôtô, xăng dầu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, rau, quả…

"Đáng ngại nhất là ta đang NK một lượng lớn rau, quả từ Thái Lan, trong đó rất nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được. Nguyên nhân ngoài tâm lý sính ngoại, rau, quả Thái Lan có chất lượng và giá cả rất cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Đồng thời họ cũng làm tốt những chiến lược thâu tóm kênh bán lẻ hiện đại cũng như tiếp thị, xúc tiến thương mại mạnh vào hệ thống phân phối truyền thống" - ông Lê Quốc Phương cho hay.

Về xu hướng thương mại, Tổng cục Hải quan nhận định, theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế NK ôtô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Như vậy, dự báo năm 2018, lượng xe ôtô NK từ Thái Lan còn tăng cao và nước này sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, gây áp lực lên NS.

Ông Lê Quốc Phương nhìn nhận, ngoài ATIGA, áp lực NK sẽ còn tăng lên do tác động của các cam kết giảm thuế NK trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bên cạnh đó, việc Thái Lan đang nắm giữ nhiều kênh phân phối bán lẻ lớn sẽ là điều kiện để NK hàng hóa từ Thái Lan tiếp tục tăng cao. Dự kiến năm 2017, NS từ Thái Lan có thể đạt từ 6 - 7 tỷ USD, cao hơn con số 5,2 tỷ USD của năm ngoái.

"Giải pháp duy nhất để giảm NS từ Thái Lan chính là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK cả về chất lượng và giá cả. Riêng rau, quả cần sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Ngoài ra, thay đổi chiến lược xúc tiến thương mại để hàng hóa Việt được thị trường Thái Lan biết đến nhiều hơn" - ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Bình luận của bạn