Nâng chất đồ gỗ Việt

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký tắt văn bản Hiệp định Đối tác tự nguyện và thực thị lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Theo đó, gỗ sản xuất trong nước phải bảo đảm tính hợp pháp mới có thể XK sang EU.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam về các mặt hàng đồ gỗ (HS 94). Hiện, Việt Nam XK sang EU khoảng 700-800 triệu USD/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cũng như Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp cho việc XK gỗ sang EU tăng lên khoảng 1 tỷ USD/năm.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Tổng thư ký Vifores - nhận định, việc ký kết VPA/FLEGT là cơ hội và cũng là thách thức với ngành XK gỗ. Thuận lợi là Việt Nam có thể chủ động trong cấp phép, tạo điều kiện để đồ mộc của Việt Nam vào thị trường EU. Nhưng mặt khác VPA/FLEGT là vấn đề mới đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các DN. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp - cho rằng, để có thể cấp giấy phép FLEGT, Việt Nam sẽ phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật được đánh giá độc lập, bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS). Chỉ khi nào Hệ thống VNTLAS hoàn thành các khâu chuẩn bị cần thiết, đáp ứng các tiêu chí quy định và được các bên thông báo cho nhau thông qua Ủy ban Thực thi chung (gồm đại diện của Việt Nam và EU), hai bên thống nhất thời điểm vận hành chính thức cơ chế cấp phép FLEGT. Vì vậy, khó dự tính được mốc thời gian cụ thể Việt Nam sẵn sàng cấp phép FLEGT cho lô hàng gỗ đầu tiên sang EU.

Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia Tổ chức Forest Trends - chia sẻ, theo nội dung của Hệ thống VNTLAS, tất cả các tổ chức tham gia vào chuỗi cung gồm: Công ty lâm nghiệp, công ty chế biến, công ty thương mại… sẽ được phân loại theo các loại hình rủi ro khác nhau với 4 tiêu chí khắt khe.

Tất cả các tổ chức sẽ được phân loại thành 2 nhóm chính: Tuân thủ và không tuân thủ. Đối với các tổ chức không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quá trình kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có liên quan sẽ chặt chẽ hơn. Cụ thể, đối với DN XK thuộc nhóm 2, các yêu cầu cũng như kiểm tra trực tiếp các lô hàng XK sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều so với các DN XK thuộc nhóm 1.

Bình luận của bạn