Ngân hàng đang cho vay mức độ nào?

Bài viết trên phản ánh về diễn biến của “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật định kỳ hàng tháng, theo các nhóm tổ chức tín dụng.

Tỷ lệ trên có xu hướng giảm nhanh trong nửa đầu năm nay ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm các thành viên đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối). Cập nhật mới nhất đến tháng 6/2016 ở nhóm này chỉ còn 93,93% so với mức 99,1% đầu năm.

Tuy nhiên, trong tài liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, một tỷ lệ khác được thống kê và phản ánh cụ thể hơn về mức độ sử dụng vốn của khối ngân hàng này.

Đó là “tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi”. Đây cũng là tỷ lệ quy định tại Thông tư 36: các ngân hàng thương mại Nhà nước phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90%.

Theo Cơ quan Thanh tra giám sát, “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” và “tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi” có cách thức tính toán và nội hàm khác nhau.

Với “tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi” mà Cơ quan Thanh tra giám sát đưa ra, khối ngân hàng thương mại Nhà nước đã tuân thủ đúng giới hạn tối đa 90% quy định tại Thông tư 36. Thậm chí cập nhật đến tháng 5/2016, tỷ lệ này chỉ ở mức 79,5%.

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi bình quân của các tổ chức tín dụng trong nước tính đến tháng 5/2016 cũng ở mức thấp với 73,5%.

Những thông tin về hạng mục thống kê “tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi” của Cơ quan Thanh tra giám sát nói trên lần đầu tiên được công bố. Còn từ trước tới nay, hệ thống thống kê của Ngân hàng Nhà nước chỉ cập nhật và công bố về “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”.

Bình luận của bạn