Ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng của Việt Nam còn nhiều dư địa khai thác
Trong những năm tới, khi tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, các tòa nhà thương mại, các khu vực nghỉ dưỡng và nhà ở hoạt động mạnh trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng tăng mạnh.
Theo nghiên cứu từ Technavio, quy mô thị trường gốm sứ xây dựng dự kiến đạt 64,52 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,72% trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ ngày càng tăng do sự gia tăng các dự án khu dân cư và các tòa nhà. Thu nhập khả dụng tăng khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm gốm sứ là một trong những yếu tố chính làm tăng nhu cầu đối với gốm sứ xây dựng trong thời gian tới. Trong những năm tới, khi tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, các tòa nhà thương mại, các khu vực nghỉ dưỡng và nhà ở hoạt động mạnh trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng tăng mạnh. Nhu cầu nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng trên thị trường thế giới tăng trưởng khả quan trong 5 năm qua, nhờ thị trường bất động sản và xây dựng tại các thị trường nhập khẩu chính hoạt động mạnh mẽ.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng tăng trưởng đều trong giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm. Tính riêng, trong năm 2020, nhập khẩu mặt hàng này trên toàn cầu giảm 4,9% so với năm 2019, đạt 36,3 tỷ USD, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn tại thị trường tiêu thụ và thị trường cung cấp. Năm 2019 tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu. Thị trường bất động sản và xây dựng cũng chậm lại là lý do chính khiến nhu cầu nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng giảm trong năm 2019.
Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu gốm sứ xây dựng tăng dần qua các năm, chiếm 27,3% trong năm 2016, tới năm 2020 chiếm 29% tổng trị giá nhập khẩu gốm sứ xây dựng trên toàn cầu. Tuy nhiên, EU cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2020 đạt 10,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm 2019.
Trong khối EU, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường không đồng đều, trong khi Đức, Pháp, Bỉ giảm nhập khẩu gốm sứ xây dựng trong năm 2020, thì Ba Lan và Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này. Tiếp theo là thị trường Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng trên toàn cầu, các thị trường có hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng đều tăng mạnh nhập khẩu hàng gốm sứ trong giai đoạn 2016 – 2020 như: Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Các TVQ Ả Rập Xê Út và Nga.
Xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu tăng trưởng bình quân 4,0%/năm Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2016 – 2020, EU là thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,0%/năm. Trị giá xuất khẩu trong năm 2020 đạt 16,7 tỷ USD, giảm 2,4% so với năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2020 giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2019, giảm 3,8 điểm phần trăm so với năm 2016. Tỷ trọng xuất khẩu giảm dần là do ngành công nghiệp gốm sứ của EU phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ từ các nền kinh tế mới nổi. Giá năng lượng tăng cao và nguyên liệu thô phụ thuộc vào các nhà sản xuất ngoài EU. Các rào cản thương mại gia tăng như thuế quan, chương trình thử nghiệm và chứng nhận…
Ngành công nghiệp gốm sứ của EU dẫn đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, được thiết kế độc đáo như ngói, gạch, thiết bị vệ sinh hoặc ống đất sét thủy tinh. Các nhà sản xuất gốm sứ của EU chủ yếu được đại diện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ứng nhanh với sự thay đổi nhu cầu và cơ hội mới. Việc sử dụng các công nghệ tự động hóa và môi trường là phổ biến. Cải tiến nhiên liệu theo cụm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đổi mới bao gồm sự chuyên môn hóa của ngành trong các sản phẩm giá trị gia tăng, khả năng tiếp cận thị trường mới ở các nền kinh tế mới nổi và khả năng cung cấp dịch vụ kịp thời và phù hợp với thị trường. Ngành đang tăng cường nghiên cứu và phát triển về gốm kỹ thuật, vật liệu thông minh, sử dụng laser, tự động hóa quy trình và dán nhãn. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, với trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng lớn thứ 2 thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020, có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,6%/năm. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Trung Quốc gián đoạn hoạt động sản xuất.
Ngoài việc ngừng hoạt động sản xuất, vận chuyển và kiểm soát hậu cần, số lượng công nhân bị hạn chế đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành gốm sứ xây dựng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu gốm sứ xây dựng của Trung Quốc vẫn tăng 0,8% so với năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu hàng gốm sứ mỹ nghệ mở rộng trong 5 năm qua, chiếm 36,2% tổng trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu, tăng 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019 và tăng 5,6 điểm phần trăm so với năm 2016. Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính cho thị trường gốm sứ xây dựng của Trung Quốc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành gốm sứ xây dựng Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là các quy định nghiêm ngặt về môi trường từ phía chính phủ, ảnh hưởng của thuế quan do căng thẳng thương mại với một số quốc gia tiêu thụ chính trên thế giới. Việt Nam là thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng lớn thứ 9 trên thị trường toàn cầu trong giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm, tỷ trọng xuất khẩu được mở rộng, chiếm 0,9% tổng trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu trong năm 2020, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2019 và tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016.
Đáng chú ý, trong năm 2020 xuất khẩu hàng gốm sứ xây dựng của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đạt 375,5 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các thị trường xuất khẩu chính, so với ngay cả đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, vì vậy vẫn còn rất nhiều dư địa để ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng của Việt Nam khai thác.
Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gốm xây dựng rất lớn, bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh. Vật liệu gốm được dùng nhiều trong chi tiết kết cấu của công trình, từ khối xây, lát nền, ốp tường đến cốt liệu rỗng cho loại bê tông nhẹ. Ngoài ra, các sản phẩm sứ vệ sinh là những vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Các sản phẩm gốm bền axit, bền nhiệt được dùng nhiều trong công nghiệp hóa học, luyện kim và các ngành công nghiệp khác. Ưu điểm chính của vật liệu gốm là có độ bền và tuổi thọ cao, từ nguyên liệu địa phương có thể sản xuất ra các sản phẩm khác nhau thích hợp với các yêu cầu sử dụng, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản, giá thành cạnh tranh.
Đây được coi là cơ hội cho ngành gốm xây dựng của Việt Nam và gốm xây dựng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng bởi hiện nay nhu cầu cao mặt hàng này trong lĩnh vực xây dựng. Để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng, cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu ngành gốm đồng bộ đối với ngành gốm sứ. Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất gốm tập trung để bảo tồn các trung tâm sản xuất gốm sứ và giảm thiểu tác động của sản xuất gốm sứ đến môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới. Tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.