Nghệ An sẽ dán tem điện tử cho 550 nghìn quả cam trong năm 2017
Cam Vinh là sản phẩm nông sản hàng hóa đầu tiên của Nghệ An xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và trở thành tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành dán tem điện tử tại 5 huyện với 12 xã nằm trong chỉ dẫn địa lý cam Vinh.
Theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007 của Cục Sở hữu trí tuệ về cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh (cách đây 10 năm), diện tích đất vùng trồng cam được công nhận chỉ dẫn địa lý Vinh là gần 1.700ha, bao gồm 5 huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Các giống cam được công nhận mang chỉ dẫn địa lý gồm: cam xã Đoài 1, cam xã Đoài 2, cam Vân Du và cam Sông Con.
Những xã được dán tem cam Vinh trước mùa cam năm nay theo quy chế của UBND tỉnh. Gồm 12 xã: Nghi Hoa, Nghi Diên (Nghi Lộc), Hưng Trung (Hưng Nguyên), Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn), Minh Hợp (Quỳ Hợp), Tân Phú, Tân Long, Tân An (Tân Kỳ).
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Nghệ An, vụ cam năm 2017 Sở sẽ tiến hành cấp 550 nghìn tem điện tử cho 5 đơn vị đủ điều kiện, tương đương với khoảng 5ha cam, 550.000 quả cam. Ngoài ra, Sở sẽ cấp 5 máy in tem cho 5 đơn vị sản xuất cam. Theo đó, việc in tem do Sở KH-CN quản lý, các cơ sở đủ điều kiện in tem chỉ được in số lượng theo đăng ký với Sở KH-CN.
Trước thắc mắc của nhiều huyện, người trồng cam vì không được dán cam Vinh, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Sắp tới Sở sẽ kiến nghị với UBND tỉnh điều tra, khảo sát lại diện tích, chất lượng cam ở một số địa phương khác trong tỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người trồng cam và phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu cam Vinh.
Thời gian qua, Sở KH-CN đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức in ấn logo, bao bì, quảng bá thương hiệu cam Vinh. Tuy nhiên thương hiệu cam Vinh vẫn chưa có dấu ấn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc quản lý tem tại đơn vị được in tem cần có giải pháp cụ thể, tránh tình trạng in tem nhưng không dán hết tem, để thất thoát tem ra ngoài. Cần thống nhất về mẫu mã tem, chất lượng tem. Việc dán tem cần phải có sự quản lý từ cấp Sở đến cấp huyện.
Bên cạnh đó quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, do vậy cần có cơ quan chuyên môn quản lý tốt khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bởi hiện nay cam kém chất lượng tại các địa phương khá nhiều. Chưa có quy trình cụ thể về chăm sóc cam, chưa có đơn vị quản lý, cung ứng giống cam.
Ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các huyện, ngành cần tuyên truyền nâng cao ý thức của các hộ trồng cam trong công tác bảo vệ, quảng bá thương hiệu cam Vinh; Hiệp hội cam Vinh cần phát huy tốt vai trò của mình đối với hoạt động tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc quảng bá, phát triển thương hiệu cam Vinh; Các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung cao cho công nghệ giống cam, chăm sóc cam, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị và chất lượng cam Vinh; Cần tuyên truyền và triển khai sâu rộng việc dán logo cho cam Vinh. Bên cạnh đó đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước kể cả ở nước ngoài.