Nghề trang trí món ăn thu nhập vài nghìn USD mỗi tháng

Một lần trang trí, làm đẹp món ăn, thức uống ở các nhà hàng, khách sạn lớn có thể cho thu nhập 300-500 USD.

Ông Trần Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Sài Gòn cho biết, công việc của một food stylist (trang trí, làm đẹp món ăn, thức uống) đòi hỏi sự sáng tạo, óc tổ chức, sắp xếp và gu thẩm mỹ cao.

Nghề này xuất hiện tại Mỹ và phổ biến trên thế giới từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Đây được xem như một ngành mỹ thuật quan trọng trong ẩm thực và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người. Tại những nước phát triển, một food stylist có thể nhận 3.000 USD mỗi ngày, với hơn 40.000 USD mỗi năm.

Ở Việt Nam, sự giao thoa trong văn hoá ẩm thực giữa các quốc gia ngày càng tăng, nên vài năm gần đây, công việc trang trí, làm đẹp cho món ăn, thức uống bắt đầu thu hút sự quan tâm của những người đam mê ẩm thực.

Theo ông Hùng, tùy theo tay nghề và yêu cầu của khách hàng, bạn có thể được trả 300-500 USD cho một shoot ảnh trang trí món ăn. Thu nhập vài nghìn USD mỗi tháng không quá khó với những ai thực sự yêu thích nghề này và nỗ lực học hỏi, sáng tạo không ngừng.

polyad

Với đôi tay khéo léo, mắt thẩm mỹ cùng sự đam mê và óc sáng tạo, mỗi tháng, một food stylist tại Việt Nam có thể kiếm được vài nghìn USD. Ảnh: Minh Thư.

Ông Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Minh Long I chia sẻ, cuộc thi Chiếc thìa vàng các mùa trước có những đầu bếp nấu ăn rất ngon nhưng thiếu kỹ năng trình bày khiến món ăn chưa thực sự bật lên sức hấp dẫn. Ngược lại có những đầu bếp kinh nghiệm nấu nướng hạn chế nhưng phần bày trí rất sáng tạo, kích thích vị giác của thực khách ngay khi nhìn thấy món ăn.

Ngoài ra, ông Sáng nhận định, hiện nay việc trang trí sao cho bắt mắt, mang thông điệp ý nghĩa riêng không chỉ là một kỹ năng cần thiết cho đầu bếp, mà nó đã trở thành một nghề có thu nhập cao dành cho những ai có đủ đam mê. Nhưng bộ môn food stylist hiện chưa được đem vào giảng dạy ở bất kỳ trường học nào và rất hiếm người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

"Mỗi khi cần người trang trí món ăn, chúng tôi phải vận dụng nhiều mối quan hệ như nhờ người quen giới thiệu, lên mạng tìm kiếm khắp nơi. Food stylist thực thụ ở Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ đều là những đầu bếp có tay nghề rất giỏi", ông chia sẻ. Doanh nghiệp này từng trả cho một food stylist trang trí món ăn trong 2-3 tiếng đồng hồ với giá gần 4 triệu đồng.

polyad

Việc trang trí món ăn trở thành ngành nghề có thu nhập cao cho những ai có đủ đam mê. Ảnh: Minh Thư.

Đánh giá nguồn cung food stylist ở Việt Nam còn rất khiêm tốn trong khi nhu cầu cao (đặc biệt ở các nhà hàng, khách sạn lớn, du thuyền cao cấp), Công ty TNHH Minh Long I vừa ký kết hợp tác với Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Sài Gòn - Saigontourist.

Theo đó, Minh Long I sẽ hỗ trợ trường Saigontourist đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho một ngành nghề còn khá mới hiện nay ở Việt Nam. Công ty cung cấp trang thiết bị, sản phẩm sử dụng, tài trợ chi phí để trả cho các giảng viên. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ đầu bếp giỏi từ cuộc thi Chiếc thìa vàng và những food stylist chuyên nghiệp mà đơn vị này biết để làm giảng viên ở trường.

polyad

Ông Lý Huy Sáng và ông Trần Văn Hùng ký kết hợp tác đào tạo và phát triển nghề food stylist. Ảnh: Minh Thư.

Ông Hùng chia sẻ, food stylist vẫn chưa có một giáo trình đào tạo chuẩn mực cũng như điều kiện thực hành tốt nhất. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên được kỳ vọng sẽ trang bị cho các đầu bếp trẻ những kiến thức thực tế và kỹ năng cần thiết về bộ môn nghệ thuật đầy sự sáng tạo này.

Mỗi năm trường tổ chức khoảng 120 lớp nấu ăn với trên 1.000 đầu bếp. Từ năm nay, food stylist được xem như một chuyên ngành nhỏ trong ngành đào tạo nấu ăn, đầu bếp của trường. "Sau khóa đầu tiên, chúng tôi sẽ ngồi lại rút kinh nghiệm, đánh giá để xem xét việc mở hẳn ngành food stylist", ông Hùng dự kiến. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về các nhà hàng, khách sạn ở TP HCM hoặc các đối tác có liên kết với trường.

Do đây là công việc thiên về óc thẩm mỹ, sự sáng tạo, nên thường không có khung đánh giá chung. Tùy vào nguyên liệu, cách chế biến, hình thành món ăn, trang trí trên vật dụng nào, phục vụ đối tượng là ai, trong không gian như thế nào, cảm hứng của đầu bếp... mà mỗi người có cách bày trí khác nhau. "Do đó, một food stylist Tây chuyên nghiệp chưa hẳn đã thành công ở Việt Nam và ngược lại", ông Hùng chia sẻ thêm.

Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist có 25 năm kinh nghiệm đào tạo nhân sự trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nấu ăn... Trong khi đó, Công ty TNHH Minh Long I đã khẳng định vị thế với những sản phẩm chất lượng cao như sứ gia dụng, sứ nhà hàng, gốm mỹ thuật, trang sức sứ…

Nguồn: VnExpress

Bình luận của bạn