Ngư dân Cà Mau liên kết đánh bắt trên biển

Trong tình hình nhiều biến động về giá cả, thị trường như hiện nay, ngư dân Cà Mau đã tổ chức liên kết làm ăn ngay trên biển, giúp tiết giảm chi phí lớn.

Cà Mau có nhiều cửa biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời), Khánh Hội (U Minh), Cái Đôi Vàm (Phú Tân) với đội ghe tàu lớn. Riêng cửa biển Sông Ðốc có số lượng phương tiện hoạt động khai thác đánh bắt thuỷ sản gần 1.000 tàu.

 

Ngư dân Lê Quốc Khởi, ngụ khóm 7, thị trấn Sông Đốc cho biết giá dầu, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc đánh bắt (ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần nghề cá…) đều tăng, trong khi giá các loại thủy sản đứng yên, khiến ngư dân thua lỗ. Để giảm bớt chi phí đánh bắt, ngư dân đã tự liên kết thành lập các tổ tiếp nhiên liệu, vận chuyển sản phẩm vào bờ… ngay trên biển. Trung bình 10 tàu đánh bắt bố trí vào một tổ với khoảng 40 đến 50 ngư dân.

alt

Liên kết trên biển giúp mỗi tàu tiết kiệm được 1-2 tấn nhiên liệu cho một chuyến đi biển.

Ông Hồ Chí Nguyện (khóm 7, thị trấn Sông Đốc) cho rằng: “Nếu như trước đây, bà con làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, mạnh ai nấy khai thác thì mỗi tàu khi hết nhiên liệu phải vào bờ để tiếp nhiên liệu, bán hàng hóa… Nhưng hiện nay, ngư dân đã hình thành tổ hợp tác, mỗi tổ có từ 15 đến 20 tàu thu mua và cung cấp mọi thứ cần thiết cho ngư dân ngay trên biển. Hình thức này giúp mỗi tàu tiết kiệm được 1-2 tấn nhiên liệu cho một chuyến đi biển”.

Hiện đội tàu rỗi (chuyên tiếp ứng nhiên liệu và thu mua các mặt hàng thủy sản trên biển) của tỉnh Cà Mau có hơn 150 chiếc được trang bị hiện đại, sẵn sàng phục vụ cho ngư dân trên biển.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 4.000 phương tiện khai thác thủy sản trên biển, với gần 30.000 ngư phủ; mỗi năm khai thác gần 200.000 tấn thủy sản các loại. Thủy sản là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, trong đó khai thác biển, đánh bắt xa bờ là ưu tiên của địa phương.

Nguồn: VnExpress

 

Bình luận của bạn