Người tiêu dùng ngày càng ủng hộ doanh nghiệp Việt
Có thể nói dịch bệnh không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế mà còn thay đổi thói quen tiêu dùng của phần lớn người tiêu dùng. Kéo theo đó là sự thay đổi chiến lược kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh. Rất nhiều hoạt động ngoài nhà chuyển vào trong nhà, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe ngày càng trở nên quan trọng và thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.
Đặc biệt việc đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến ngày càng nhiều người Việt ủng hộ hàng nội địa nhiều hơn, đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt và chuyển đổi kịp thời để bắt kịp xu thế của thời đại.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam: “Thị trường hàng tiêu dùng nhanh có cơ hội ở chỗ là người ta dùng ở nhà nhiều hơn, tuy nhiên để khắc phục sự suy giảm ở ngoài phụ thuộc vào dịch bệnh được kiểm soát tốt, đó là thách thức làm sao để phục hồi được thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở ngoài nhà”.
Việc liên minh hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp cũng là một trong những điểm mấu chốt được xác định quan trọng trong việc phát triển ngành hàng tiêu dùng Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Bà Lê Thúy Nga – Trường Văn phòng đại diện hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam (VACOD) tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo để kết nối hội viên, để cho các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm của họ và cho người tiêu dùng biết đến các sản phẩm chất lượng, tạo ra một hạ tầng cho các doanh nghiệp chia sẻ lẫn nhau, kết nối giao thương và làm cho hiệp hội càng lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội”
Cũng theo bà Nga, nếu các doanh nghiệp cập nhất xu hướng và chuyển đổi số một cách đúng đắn và hiệu quả, nắm bắt tốt trong tình hình dịch bệnh và hậu dịch bệnh thì các ngành hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.