Nhập khẩu đường có giảm được áp lực về giá?

Những ngày qua, giá đường trong nước luôn duy trì ở mức cao vì hai lý do: Nhu cầu sử dụng đường tăng cao, trong khi đó nguồn cung giảm so với mọi năm. Khảo sát trên thị trường, giá đường dao động từ 17.000 - 19.000 đồng/kg. Có địa điểm bán tới 20.000 đồng/kg tại thị trường Hà Nội, còn trong siêu thị giá đường không bình ổn ở mức 22.000 đồng/kg. Nếu như năm ngoái, được vụ mía, sản lượng đường đạt ở mức cao, giá bán đường lẻ chỉ dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng lo ngại nếu nguồn cung tiếp tục không đảm bảo, giá đường có thể tăng hơn 22.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ này sản lượng đường chỉ đạt 1,2 triệu tấn nguyên liệu, giảm 1,4 triệu tấn so với niên vụ năm trước. Một số nước trên thế giới cũng rơi vào tình trạng sản lượng sụt giảm do mất mùa mía.

Để đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, vừa qua Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường và đã được chấp nhận để đảm bảo cân đối cung-cầu. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, về lý khi nguồn cung được cải thiện thì giá đường có thể giảm. Mặc dù vậy, các chuyên gia lại quan ngại khó có thể giảm giá đường ngay vì trong bối cảnh giá đường thế giới vẫn giữ ở mức cao. Việt Nam thu mua đường cũng phải mua giá cao nên giá bán khó có thể thấp.

Bên cạnh đó, đường nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng tác động không nhỏ đến lượng cung đường trong nước vì tăng giảm thất thường. Có ý kiến cho rằng để giảm giá đường cần phải giảm chi phí trên khâu lưu thông hoặc kênh phân phối, vì giá đường nguyên liệu hiện nay tại nơi sản xuất chỉ khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg trong khi đó giá đường đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng 19.000 - 20.000 đồng, thậm chí là 22.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ người tiêu dùng phải đội thêm giá khoảng 1/3.

Tuy nhiên hầu hết các ý kiến kể cả Hiệp hội Mía đường Việt Nam đều có chung quan điểm: Về lâu dài cần phải có chiến lược hỗ trợ để người trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất ngành mía đường sống được và gắn bó với cây mía. Đồng thời các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc để ngăn chặn đường nhập lậu - đây chính là cách hữu hiệu để hỗ trợ các cơ sở, nhà máy và doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước vấn nạn đường nhập lậu.

Bình luận của bạn