Nhập siêu đã quay trở lại
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 14,30 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,6 tỷ USD, giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 105,1 tỷ USD, tăng 13,5%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đạt khá cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 28,5 tỷ USD, tăng 29,6%; hàng dệt may đạt 20,7 tỷ USD, tăng 9,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 14,3 tỷ USD, tăng 38,2%; giày dép đạt 10,8 tỷ USD, tăng 16,3%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 7,4 tỷ USD, tăng 11,2%...
Đáng chú ý là một số mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô giảm 0,2% về lượng và giảm 48,3% về kim ngạch; than đá giảm 75,5% và giảm 65,4%; cà phê giảm 26,7% và giảm 29,3%. Riêng mặt hàng gạo, tuy lượng tăng 3,9% nhưng kim ngạch giảm 4,6%; cao su lượng tăng 5,3% và kim ngạch giảm 14,2%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong 11 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 30,6 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là thị trường EU với 28,1 tỷ USD, tăng 10,2%; ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 4%; Trung Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 14,3%; Nhật Bản đạt 12,8 tỷ USD, giảm 4,5%; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 28,8%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11 ước tính đạt 14,50 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 62,3 tỷ USD, tăng 8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng cao: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 25,3 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 27,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,1 tỷ USD, tăng 29,7%; vải đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,6 tỷ USD, tăng 8%...
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 11 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 45,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 29,3%; ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, tăng 4,5%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 14,9%; EU đạt 10 tỷ USD, tăng 24,2%; Hoa Kỳ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 28,5%.
Như vậy, sau tháng 10 xuất siêu 500 triệu USD, tháng 11 nhập siêu quay trở lại với mức thâm hụt khoảng 200 triệu USD. Thâm hụt thương mại 11 tháng năm 2015 là 3,8 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 15 tỷ USD.
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, với giá dầu thô và một số mặt hàng nông sản giảm, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 có thể không đạt kế hoạch đề ra (tăng 10%), nhưng tỷ lệ nhập siêu ước tính đạt kế hoạch dưới 5% so với kim ngạch xuất khẩu.