Những điểm sáng về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Sự đúng hướng và triển khai linh hoạt trong phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ đã giúp lĩnh vực này có nhiều khởi sắc và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022.

Nhiều khởi sắc

Đầu năm 2022, Việt Nam đã mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế - xã hội với phương châm “thích ứng, linh hoạt”, do đó các hoạt động sản xuất, giao thương đã diễn ra bình thường. Việc kiểm soát dịch tích cực, cùng sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, thì rất nhiều ông lớn trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp FDI cũng đã có những thay đổi tích cực trong sử dụng nhà cung cấp khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp Việt trong những năm gần đây. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020. Các doanh nghiệp FDI cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016.

 

Những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ có nhiều khởi sắc

Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam. Trong số 500 công ty Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để có những chuyển biến tích cực trong ngành công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh chính sách của Nhà nước còn có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử như Bộ Công thương đã tích cực hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà đầu tư FDI thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp.

Cùng cộng hưởng, các địa phương, doanh nghiệp cũng tích cực vào cuộc. Đơn cử như ngày 5.10 mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” nhằm làm rõ nét hơn vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp. Đồng thời là cầu nối cho các doanh nghiệp, hiệp hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, hàng không vũ trụ, ôtô… tại Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) cho Công ty Onaga (Nhật Bản). Công ty này cũng đã ký hợp đồng, thỏa thuận hợp tác tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ với nhóm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hay, tại TP. Hồ Chí Minh, Techonic Industries đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hay Luxshare, Pegatron, Foxconn… cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.

Đóng góp cho tăng trưởng

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, thủy sản… với các thị trường lớn và khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…Qua đó, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.

 

Ngành công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng cường sự liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực

Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây cho thấy, GDP Quý III. 2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp-xây dựng tăng 12,91%. Tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Đóng góp vào kết quả tích cực này, có vai trò rất lớn của sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 7,16%; quý 2 tăng 9,51%; quý 3 tăng 12,12%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (quý 1 tăng 7,85%; quý 2 tăng 11,07%; quý 3 tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế…

Có thể khẳng định, những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế- xã hội.

 

 

Bình luận của bạn