Nông thôn là thị trường "màu mỡ" của ngành hàng tiêu dùng nhanh
Các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước đang tăng trưởng tốt và trở thành đối thủ cạnh tranh "ngang ngửa" với các công ty đa quốc gia. 42% doanh thu của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh đến từ các tên tuổi nội địa. Ngoài sự vươn lên của các doanh nghiệp nội, ngành hàng tiêu dùng nhanh năm 2017 còn có những điểm nổi bật khác.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh chiếm lĩnh nông thôn
Theo báo cáo về ngành hàng tiêu dùng nhanh quý III/2017 của Nielsen, thị trường nông thôn vẫn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng với các doanh nghiệp.
Cụ thể, tăng trưởng trong quý III của khu vực thị trường nông thôn đạt 7,6% (với 7,4% đến từ tăng trưởng sản lượng) và tiếp tục đóng góp 54% trong tổng doanh số của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn quốc.
Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thành thị chỉ đạt 4,7%.
Cũng theo số liệu này, tăng trưởng toàn quốc của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý III/2017 cho thấy sự chuyển biến tích cực, đạt 6,4%, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái (quý III/2016 mức tăng trưởng toàn ngành là 2,9%). Mức tăng trưởng của quý III năm nay chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5,8%).
Khi xem xét kỹ ở các nhóm ngành hàng lớn trên toàn quốc (bao gồm: nước uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá) thì ngành hàng đồ uống tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng ấn tượng 8,5%, trong đó tăng sản lượng đạt 6,4%. Thuốc lá cũng cho thấy dấu hiệu tích cực trong quý này với mức tăng đạt 5,9%.
Trong khi đó, tất cả các ngành hàng còn lại đều cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng. Ví dụ ngành thực phẩm chỉ đạt 4,6%, giảm so với mức 5,9% của quý II/2017; sữa và các sản phẩm từ sữa chỉ đạt 4,2%, giảm so với mức 7,4% của quý II/2017…
Cộng đồng nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, nên việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất cũng như cách thức họ mua sắm như thế nào sẽ điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai.
Báo cáo quý III/2017 của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.
Dùng hàng Việt vì niềm tự hào quốc gia
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn dùng hàng Việt Nam chính là niềm tự hào quốc gia. Theo đó, hơn 69% người tiêu dùng tin rằng các doanh nghiệp nội có thể đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của họ. Và sự ủng hộ cho các doanh nghiệp nội địa theo phương châm “Người Việt dùng hàng Việt” khiến 48% số người tiêu dùng quyết định chọn sản phẩm nội địa thay cho thói quen chuộng hàng ngoại trước đây.
Doanh nghiệp nội đang dần lấy lại thị phần nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng những biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ đó mà người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn những nhà cung ứng trong nước đạt tiêu chuẩn ISO, hàng Việt Nam chất lượng cao để gia tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Như tại các hệ thống Saigon Coopmart, Maximark, hàng Việt luôn chiếm từ 80 - 90% trên các kệ hàng.
Tại ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và nước giải khát, các doanh nghiệp nội chiếm thị phần chưa đến 40%, nhưng trong ngành hàng thực phẩm, thị phần của doanh của nghiệp nội lên tới 55%.
Nhờ lợi thế am hiểu thói quen tiêu dùng người Việt, với khả năng học hỏi nhanh, các doanh nghiệp FMCG trong nước đã thấu hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng qua từng thời điểm, từ đó có sự cải tiến sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng.