Phát triển mạnh thị trường trong nước

Bộ Công Thương cho biết, thị trường trong nước tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy số ca mắc Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng khan hàng sốt giá. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.

Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Bộ Công Thương xác định, trong bối cảnh nền xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, cần phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung vào các giải pháp chủ yếu như tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử. Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Riêng với mùa nông sản thu hoạch rộ sắp tới, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”; hội chợ, triển lãm, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... Qua đó, giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua để sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Bình luận của bạn