Rau sạch VietGAP bị... cắt bỏ để bò ăn
Hàng chục hộ dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) điêu đứng khi giá rau sạch VietGAP bán tại ruộng chỉ 5.000 đồng/10kg.
Thông thường những ngày đầu tháng 12 này, nông dân ở những vùng làm rau của Quảng Nam đang tất bật để chuẩn bị các công đoạn làm đất nhằm xuống giống cho kịp vụ rau bán trong dịp Tết. Thế nhưng tại cánh đồng rau sạch VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc hiện nay, không khí lao động rất buồn tẻ và chỉ có một vài nông dân làm đồng.
Bà Đỗ Thị Liễu – một tổ viên của Tổ hợp tác sản xuất rau sạch VietGAP Lang Châu Bắc than thở: "Cách đây 1-2 năm, gia đình tôi làm 5 sào đất màu, chủ yếu trồng rau quả theo hướng VietGAP có đầu ra ổn định nên thu nhập của gia đình tương đối khấm khá. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, doanh nghiệp không mua rau nữa, gia đình tôi và bà con trồng rau ở đây gặp rất nhiều khó khăn".
“Hiện nay, thương lái mua tại ruộng quá thấp, chỉ 5.000 đồng/1 chục rau mồng tơi (12 bó – tương đương 10 kg) và một bó chỉ bán được 500 đồng nên cả một đám rau này gia đình tôi cắt bán chỉ được vài trăm ngàn. Bỏ công chăm bón cả mấy tháng trời, nhưng giá bán như vậy là đã lỗ nặng, tôi cũng không muốn cắt rau để bán. Nhiều hộ cũng trồng rau như gia đình tôi, thấy giá rẻ quá nên họ cắt về cho bò ăn…” – bà Hồ Thị Hương (thôn Lang Châu Bắc) than thở.
Đứng cạnh đám rau của bà Hương, lão nông Lê Trung Mau cũng cho biết trồng rau sạch theo hướng VietGAP rất tốn công sức và đầu tư lớn, nhưng hiện nay với giá bán thấp bèo như vậy nên nhiều hộ đã bỏ hoang đất hoặc chuyển trồng những loại cây khác được giá hơn.
“Một vụ rau mồng tơi trồng tới 2,5 – 3 tháng, giá bán 500 đồng/bó, tính ra mỗi sào chỉ thu trên dưới 300.000 đồng/vụ. Giá rẻ như vậy nên hiện tại gia đình tôi phải phá các luống rau mồng tơi chuẩn bị trồng khổ qua, bí đao để bán vào dịp Tết sắp tới...” – ông Mau chia sẻ.
Ông Lê Đông Sang - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau sạch VietGAP Lang Châu Bắc thông tin: Trước đây, ở cánh đồng này bốn mùa rau quả xanh tươi, không khí lao động của nông dân hết sức khẩn trương, sôi nổi và thương lái khắp nơi về đây mua rau để đưa đi các chợ đầu mối, siêu thị bán, còn bây giờ tại làng rau không khí rất buồn tẻ, chỉ có vài ba người ra đồng làm.
Chủ tịch UBND xã Duy Phước - bà Huỳnh Thị Hường nhận định: Hiện nay ở Duy Phước đã quy hoạch vùng chuyên canh rau quả. Nhờ sản xuất rau nên đời sống của nhiều hộ nông dân khá giả hơn trước. Tuy nhiên, hiện nay một số vùng sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi đầu ra không ổn định, giá cả lại thấp...
Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng cho biết: Toàn huyện đã quy hoạch tới 30 ha rau quả theo hướng an toàn và sạch, tuy nhiên do đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định nên hiện nay diện tích trồng rau quả của huyện đang giảm dần.