Rộng cửa cho ngành dệt may - da giày Việt Nam
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có nhiều lợi thế về sản xuất. Vì vậy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may và da giày được dự báo sẽ còn tăng cao do tiềm năng xuất khẩu hai ngành này được đánh giá còn khá rộng lớn.Xuất khẩu tăng cao
Các thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam cho thấy những kết quả tích cực của năm 2018 và có những dấu hiệu lạc quan cho những năm tiếp theo. Các doanh nghiệp dệt may cho biết Việt Nam đã đạt được một kỷ lục đáng nhớ trong nửa đầu năm 2018 khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 trên thế giới.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì Việt Nam cũng bắt đầu tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may… Điều này sẽ giúp ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 34-34,5 tỉ đô la trong năm nay, tăng khoảng 10% so với kết quả năm 2017.
Bên cạnh các thị trường truyền thống của ngành dệt may gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn trên đà tăng nhập khẩu, theo Vitas, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào một số thị trường mới, như Trung Quốc, Nga...
Việt Nam là quốc gia kinh doanh, sản xuất giày dép quan trọng trên thế giới và trở thành đối tác chiến lược với các thương hiệu giày dép danh tiếng. Số lượng xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 7,4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không chỉ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn lấp dần nguồn cung nguyên phụ liệu đang thiếu hụt, mang lại sự hỗ trợ đẳng cấp quốc tế cho hai ngành này của Việt Nam.
Vốn đầu tư sẽ tiếp tục đến
Những hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia gần đây đang kéo theo sự dịch chuyển đầu tư các dự án dệt may và da giày vào Việt Nam,dẫn đến vốn đầu tư vào hai ngành này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội cho những nhà cung cấp máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu của hai ngành này.
Ông Liang Qi Ming, đại diện Phòng thương mại Thiết bị may Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ trước thềm Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt May lần thứ 18 (VTG 2018) sẽ diễn ra tại Tp.HCM từ ngày 21 đến 24/11 rằng: hai lần tham gia trước, đoàn doanh nghiệp Quảng Đông có được nhiều hợp đồng cung cấp thiết bị cho ngành may. Năm ngoái, có doanh nghiệp còn bán được vài chục máy ngay tại triển lãm VTG.
Theo bà Zhong Yan Li - Hiệp hội Máy làm giày Quảng Đông, tình hình doanh nghiệp da giày của tỉnh Quảng Đông tìm đến thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Và đến nay đã có hơn 30 doanh nghiệp da giày của tỉnh này có nhà máy hoặc văn phòng ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), các doanh nghiệp dệt may ở Trung Quốc đang tăng tốc dời đi những nước khác.
"Đông Nam Á, châu Phi và Nam Á là 3 điểm họ sẽ đến. Riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam là điểm sáng", ông An nói, và phân tích từ chi phí sản xuất, phí nhân công, tiền thuê đất, điện nước thì Việt Nam lợi thế hơn Trung Quốc, nên dòng dịch chuyển không cần bàn cãi thêm. "Trên thực tế, trước khi có căng thẳng thì họ cũng đã chuyến dịch vốn rồi".
Tìm máy móc, thiết bị ở đâu?
Tuy nhiên, hai ngành này đang đối mặt hàng loạt thách thức về thiếu nguyên phụ liệu trong nước và công nghệ chưa cao, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải tăng cường đầu tư, đổi mới để đón cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc và đáp ứng các điều kiện miễn giảm thuế của CPTPP hay EVFTA mang lại.
Ở khía cạnh nhà tổ chức triển lãm, lãnh đạo Công ty dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers (Hồng Kông), cho biết Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt May lần thứ 18 (VTG 2018) và Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu Dệt May (VitaTex) sẽ diễn ra đồng thời với Triển lãm ngành Công nghiệp Da giày và Nguyên phụ liệu (VFM) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với hơn 400 đơn vị tham gia cùng 600 gian hàng là cơ hội cho nhà sản xuất.
VTG 2018 thu hút hàng trăm thương hiệu nổi tiếng từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Bên cạnh sự tham gia của các đối tác chiến lược như Hiệp hội máy may Trung Quốc, Hiệp hội máy may Hồng Kông, VTG 2018 còn thu hút các đoàn quốc tế như Trung tâm dệt may Hàn Quốc (KTC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Bồ Đào Nha (CCIPV), Liên đoàn dệt may Đài Loan (T.T.F), Hiệp hội doanh nghiệp dệt may và phụ kiện Thổ Nhĩ Kỳ (TEMSAD).
VTG 2018 và VitaTex thu hút các thương hiệu máy thêu nổi tiếng như Bao Lun, Rich Peace, Tajima, ZSK; Heinz Walz, Epson, Grafica và Sulfet giới thiệu nhiều loại máy in chất lượng cao; Beworth và Silk Road sẽ mang đến các loại máy dệt kim tiên tiến nhất. Công ty Maika giới thiệu hệ thống CAD trong ngành may… Triển lãm thu hút các thương hiệu máy may danh tiếng từ Nhật Bản như Brother, Hikari, Juki, Yamoto…
Triển lãm Quốc tế máy móc nguyên phụ liệu giày da (VFM) do Hiệp hội máy làm giày Quảng Đông, Vinexad và Yorker đồng tổ chức sẽ giới thiệu các loại máy làm giày dép, máy đùn, máy làm da nhân tạo, máy làm túi, hệ thống CAD/CAM, nguyên liệu giày dép… Triển lãm sẽ mang lại nhiều lựa chọn về các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị giày dép.
Sự kết hợp bộ ba triển lãm giữa VTG, VFM và InterDye Asia được xem là nơi tập hợp hầu hết các ngành công nghiệp, mang đến cho các nhà sản xuất Việt Nam những trải nghiệm về chất lượng, tiết kiệm thời gian vào dịp cuối năm 2018. Khi Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường dệt may, giày dép toàn cầu, triển lãm VTG 2018 được giới trong ngành cho là cách hiệu quả để kết nối với mạng lưới toàn cầu.