Rộng đường tái canh cà phê?
Việt Nam là nước đứng thứ 2 về sản xuất cà phê và là nước XK cà phê Robusta (cà phê vối) đứng đầu thế giới. Trong đó, sản lượng cà phê Tây Nguyên chiếm khoảng 92% tổng sản lượng cà phê cả nước. Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp tại Tây Nguyên hiện chiếm tỷ lệ khá cao. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, có tới 120 nghìn ha cà phê già cỗi ở Tây Nguyên cần được tái canh.
Vào tháng 5-2013, vấn đề tái canh cà phê (TCCP) đã có dịp “nóng” lên khi Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) ký thoả thuận với UBND các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Tổng công ty Cà phê Việt Nam cam kết dành 12.000 tỷ đồng trong 3 năm (từ 2012 - 2015) để cho vay TCCP. Chương trình này được kỳ vọng góp phần gỡ nút thắt cho ngành cà phê. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, công tác TCCP vẫn khá ì ạch. Dư nợ TCCP mới đạt hơn 585 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, điển hình như chương trình gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch chi tiết diện tích TCCP đến từng thôn, xã. Bên cạnh đó, việc TCCP cần vốn đầu tư lớn nhưng tài sản trên đất của nông dân như nhà cửa, vườn cà phê chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khiến ngân hàng khó khăn trong xác định giá trị tài sản bảo đảm. Đặc biệt, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Agribank, chi nhánh Kon Tum còn khẳng định, tái canh sẽ mất thời gian và thu nhập, trong khi tình hình kinh tế khó khăn nên các DN cà phê chưa mạnh dạn làm, người dân cũng chưa mấy mặn mà.
Để thông đường hơn cho việc TCCP, ngày 11-5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 3227/NHNN-TD hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 với các nội dung khá cụ thể, cơ chế chính sách rõ ràng. Cùng ngày, NHNN có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đề nghị phối hợp với ngành ngân hàng trong việc triển khai.
Động thái rốt ráo lần này của NHNN một lần nữa lại nhen nhóm hy vọng sẽ cứu nguy cho hàng nghìn diện tích cà phê cằn cỗi đang gấp rút cần tái canh, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng nông sản XK chủ lực này. Tuy nhiên, để không đi vào “vết xe đổ”, hy vọng không tiếp tục biến thành thất vọng, có lẽ điều cần nhất là sự vào cuộc đồng bộ, thực chất, phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đương nhiên, ở góc độ đối tượng thụ hưởng chính sách, DN và người dân cũng chẳng thể duy trì thái độ ngại khó, ngại vướng mà thiếu mặn mà. Bởi chỉ có chủ động, “xắn tay” vào việc dù là việc khó thì mới mong “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai
.Nguồn: Báo Hải quan