Sản xuất công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 (nhưng thấp hơn so với mức tăng của quý I/2018 và quý I/2019), đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,78%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 8,24% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,9%

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 03/2021 ước tính tăng 22,1% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,1% so với tháng trước và giảm 8,6% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo lần lượt tăng 22,5% và 5,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 26,4% và 3,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8% và tăng 8,7%.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 8,2%...

Chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 30,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,9%; sản xuất thiết bị điện và khai thác quặng kim loại cùng tăng 12,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,9%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 0,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; ti vi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%; sắt, thép thô tăng 14,4%; bia các loại tăng 12,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 10,8%; khí hóa lỏng LPG tăng 9,1%.

Một số sản phẩm giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên giảm 16,1%; dầu mỏ thô khai thác giảm 12,1%; xăng, dầu các loại tăng 0,1%; xe máy và thép thanh, thép góc cùng giảm 1,6%; giày, dép da giảm 1,3%; than sạch giảm 0,1%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất kim loại tăng 28,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 18,7%; sản xuất đồ uống tăng 17,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 13,5%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 13,3%; dệt giảm 1,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,2%.

Xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD. Cụ thể:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,79 tỷ USD, tăng 44,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,81 tỷ USD, tăng 40,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 tăng 19,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,2%.

Tính chung quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.

Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu các nhóm hàng:

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản:  Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 58,3% so với tháng 02/2021 và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tháng 3/2021 ước đạt 24,76 tỷ USD, tăng 39,7% so với tháng 02/2021 và tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 70,1% so với tháng 2/2021 và tăng 8,6% so với tháng 3/2020, đạt 284 triệu USD.

- Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I/2021: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 18%; thị trường ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 5,7%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,5%.


Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 03/2021 ước tính đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,45 tỷ USD, tăng 40,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,75 tỷ USD, tăng 34,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 tăng 27,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,6%.

Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,05 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,26 tỷ USD, tăng 31,5%.

- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm 87,76% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 66,1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.

- Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,7 tỷ USD, tăng 30,9%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4,1 tỷ USD, tăng 19,7%; Hoa Kỳ đạt 4 tỷ USD, tăng 13%.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực… Nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. 

Các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 3 có xu hướng phục hồi

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,4%) cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 322,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 40,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 845 tỷ đồng, giảm 34,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4%.

Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%). Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Hải Phòng tăng 11,3%; Cần Thơ tăng 10,8%; Hà Nội tăng 8%; Đà Nẵng tăng 7,9%; Thanh Hóa tăng 6,7%; Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng tăng 6,6%; Đồng Nai 5,7%; Đắk Lắk tăng 5,5%; Hưng Yên tăng 5,3%; Bắc Ninh tăng 1,8%.

Về chỉ số giá tiêu dùng: Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020 và tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2021, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: (i) Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020 nên giá điện tháng 01/2021 giảm 16,88% so với tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân quý I/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020 (tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm); (ii) Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm) và giá dầu hỏa giảm 14,5%; (iii) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%; (iv) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trong Quý I năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch. Cụ thể:

Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 682/BCT-TTTN ngày 04 tháng 02 năm 2020 về việc đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản để ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Bên cạnh đó, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16 tháng 02 năm 2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market ….để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương...

Ngày 17 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Đề án đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện: thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường thực hiện và tổ chức các hoạt động phát triển thị trường trong nước nhằm mục đích góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung lực đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi:  “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

 

 

Bình luận của bạn