Sản xuất thực phẩm Organic: Hướng đi mới

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD), nói “không” với thực phẩm bẩn, sản phẩm Organic (hữu cơ, an toàn và chất lượng) được nhiều doanh nghiệp quan tâm, sản xuất... Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm và mở rộng kênh phân phối đến tay người tiêu dùng lại không mấy dễ dàng.

Thực phẩm hữu cơ “lên ngôi”

Theo các chuyên gia Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, Organic là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay. Những sản phẩm này được kiểm định và đánh giá định kỳ, bảo đảm chất lượng tối ưu, giàu dinh dưỡng tự nhiên, an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Organic. Cụ thể: Ngay trên các tuyến đường trung tâm quận 1 và 3 như: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu… đã mọc lên rất nhiều cửa hàng rau sạch, rau Organic. Mặc dù, giá của sản phẩm này khá đắt, có những loại lên tới 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn được các bà nội trợ chọn mua vì tin tưởng vào chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Trang - Quản lý chuỗi cửa hàng Organica - cho biết, công ty hiện có 4 cửa hàng bán lẻ, trong đó có 3 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và một cửa hàng tại TP. Đà Nẵng. Công ty hiện đang xây dựng kho bãi tại Hà Nội để chuẩn bị đưa thực phẩm Organic ra miền Bắc. “Thực phẩm Organic do công ty sản xuất đều được các tổ chức nước ngoài kiểm nghiệm và cấp chứng nhận, do đó, dù giá cao, vẫn được NTD ưa chuộng” - bà Nguyễn Thị Hoài Trang cho hay.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn có tiềm lực như Saigon Co.op, Thành Thành Công, Vinamilk, Vinamit… đang rất quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho hay, hiện Saigon Co.op đang liên kết cùng Công ty Viễn Phú (đơn vị sản xuất gạo hữu cơ mang thương hiệu Hoa Sữa) đầu tư một trang trại hơn 300 ha tại Cà Mau để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã được các tổ chức như USDA của Mỹ, JAS của Nhật, Liên minh châu Âu (European Union), Naturland chứng nhận. Saigon Co.op có cả sản phẩm rau, tôm, cá… đạt tiêu chuẩn Organic quốc tế.

Đầu năm 2017, Vinamilk đã khánh thành trang trại bò sữa Organic tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Lâm Đồng. Trang trại có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, quy mô đàn ban đầu hơn 500 con và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sản lượng sữa Organic thu được từ trang trại này là 2.700kg/ngày.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Dù là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam nhưng ông Phạm Trung Kiên phải thừa nhận: Saigon Co.op cũng gặp không ít khó khăn khi tham gia đầu tư vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể là thói quen canh tác sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay của nông dân; hành lang pháp lý chính sách trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa rõ ràng, đặc biệt hệ thống kiểm soát sản phẩm đúng như được chứng nhận và đưa vào thị trường kinh doanh. “Hiện tại, có rất ít đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ nên Saigon Co.op đang thiếu đơn vị đủ năng lực để hợp tác. Mặt khác, NTD vẫn chưa nhận biết đầy đủ, chính xác, phân biệt rõ đặc điểm, lợi ích của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống”- ông Kiên trăn trở.

Tương tự, để có một trang trại bò sữa hữu cơ 76,2 ha, Vinamilk đã nghiên cứu nhiều năm để tìm ra vùng đất có thổ nhưỡng thích hợp cho đàn bò sữa Organic.Vinamilk cũng phải trải qua quá trình đầu tư, xây dựng theo tiêu chuẩn Organic châu Âu trong suốt 3 năm và tổ chức sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá lại trang trại của công ty hàng năm. Về giá bán sản phẩm sữa tươi Vinamilk Organic tại các siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng hiện nay là 55.000đồng/hộp 1 lít, 12.100đồng/hộp 180 ml, cao hơn khoảng 40% so với sữa tươi nguyên chất thông thường của Vinamilk. Với mức giá đó, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Organic cũng “kén chọn” NTD hơn.

Ông Nguyễn Hồ Tú Trinh - Giám đốc truyền thông Lotte Mart Việt Nam - chia sẻ, siêu thị này có bán một số sản phẩm Organic từ các nhà cung cấp, trong đó có sản phẩm sữa của Vinamilk. Giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường, do đó sức mua các sản phẩm này cũng không bằng các sản phẩm cùng loại.

Trên thực tế, rất nhiều NTD còn hoài nghi về các sản phẩm hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Bé (quận Bình Thạnh) chia sẻ, qua báo chí bà được biết sản phẩm rau, củ hữu cơ tốt cho sức khỏe nhưng vì thị trường có quá nhiều thương hiệu nên không biết sản phẩm nào mới thực chất đạt tiêu chuẩn.

Bà Lâm Hà - Việt kiều Mỹ (quận Phú Nhuận) - cho hay, nếu tại Mỹ chỉ cần đến các siêu thị mua sản phẩm có nhãn hữu cơ là hoàn toàn tin tưởng vì đã được USDA cấp chứng nhận, nhưng tại Việt Nam, thực phẩm hữu cơ không có một cơ quan nào đứng ra kiểm duyệt, chịu trách nhiệm đến cùng, mà sản phẩm hoàn toàn do DN tự chứng nhận khiến NTD băn khoăn.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc - cho rằng, dù sản phẩm có tốt đến đâu nhưng khi yếu khâu phân phối, xây dựng thương hiệu và quảng bá đến NTD thì sẽ khó phổ cập rộng rãi. Theo bà Minh, để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nhất là sản phẩm hữu cơ, cần truyền thông mạnh mẽ để NTD dễ dàng phân biệt thực phẩm Organic với các sản phẩm khác. Về phía các DN, HTX cũng phải đẩy mạnh marketing, có cách nhận diện thương hiệu tốt hơn.

Ông Stefan Holler, chuyên gia Naturland e.V.Germany (đơn vị cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ của châu Âu) nhấn mạnh, để nhận được giấy chứng nhận cấp từ Naturland, các tiêu chí phải bảo đảm đúng quy trình hữu cơ. Vấn đề quan trọng ở đây là niềm tin của NTD. Do vậy các trang trại, kể cả nhà bán lẻ đều phải có giấy chứng nhận mỗi năm và chúng tôi sẽ có một bộ phận giám sát về quy trình này khi cấp giấy chứng nhận.

Bình luận của bạn