Sẽ có hiện tượng lớn lợi nhuận ngân hàng 9 tháng?

Do đặc điểm của lịch sử, cả những đặc thù lợi thế kinh doanh, khối ngân hàng thương mại Nhà nước nói trên có quy mô và thị phần khác biệt, nên mức độ lợi nhuận được so sánh riêng trong khối.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) được chú ý hơn, do có số lượng thành viên lớn, phản ánh nhiều thăng trầm và thay đổi trong hoạt động ngân hàng những năm gần đây.

Từ năm 2011 trở về trước, khối ngân hàng thương mại cổ phần thường “cố định” vị thế lợi nhuận lớn ở top 5, gồm Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Đây là những ngân hàng thương mại khá tương đồng về quy mô vốn, tổng tài sản, nhân sự…, nên so sánh con số lợi nhuận tuyệt đối hàng quý, hàng năm vẫn có ý nghĩa như đánh giá về “thứ hạng”, bên cạnh các so sánh kỹ thuật sát hơn bằng các chỉ số ROE, ROA…

Nhìn theo con số tuyệt đối, quy mô lợi nhuận top 5 ngân hàng thương mại cổ phần này liên tục thay đổi kể từ năm 2011 trở lại đây. Điểm này cũng phản ánh rõ thăng trầm, biến động lớn trong hoạt động ngân hàng nói chung.

Trước đây, ACB từng nắm vị trí số 1 của khối về lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Cạnh tranh vị trí này từng nổi bật ở Techcombank, rồi cả Sacombank và Eximbank.

Tuy nhiên, như trên, qua nhiều biến động và đứt gãy từ năm 2011 trở lại đây, nổi bật nhất là sự bền vững của MB. Ngân hàng Quân đội cũng chính là thành viên giữ vị trí số 1 về lợi nhuận của khối, theo con số tuyệt đối, những năm gần đây.

Trong khi đó, sau sáp nhập Southern Bank, đến nay Sacombank đang phải trải qua kỳ khó khăn, thể hiện qua lợi nhuận sụt giảm rất mạnh trong 9 tháng đầu năm nay và rời khỏi top 5 nói trên.

Eximbank vẫn tiếp tục suy giảm về lợi nhuận và tổng tài sản, vẫn chưa thể tìm lại được vị trí từng có trong top 5, và 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận vẫn ở mức thấp.

Ngược lại, với tiến độ thông tin công bố và cập nhật đến đầu tuần này, Techcombank đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng, lần đầu tiên kể từ 2012 đến nay có kỳ báo lãi vượt qua MB, dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần về quy mô lợi nhuận, với 2.900 tỷ đồng, xét theo con số tuyệt đối nói trên.

Tuy nhiên, bất ngờ và hiện tượng lớn có thể vẫn còn ở phía trước. Dự kiến, lần đầu tiên trong kỳ báo cáo theo quý, vị trí dẫn đầu của khối cũng như của top 5 lợi nhuận ngân hàng thương mại cổ phần sẽ là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Hiện VPBank chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2016 cụ thể, nhưng dự kiến ngân hàng này sẽ có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2016 lên tới khoảng 3.150 tỷ đồng (tăng rất mạnh so với mức 2.328 tỷ cùng kỳ năm ngoái).

Trước đó, trong năm 2015, VPBank đã là hiện tượng lớn của hệ thống ngân hàng, xét về quy mô và tăng trưởng lợi nhuận.

Bình luận của bạn