Siết thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Nguồn tin trên cho biết, yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục Thuế xuất phát từ việc phát sinh các khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu hình thành tại 22 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và có nhiều căn cứ cho thấy các doanh nghiệp này thu được lợi nhuận lớn từ kinh doanh xăng dầu, trong đó có phần từ chênh lệch thuế nhập khẩu.
Năm 2015, Petrolimex đạt lợi nhuận 1.990 tỉ đồng từ kinh doanh xăng dầu, trong khi năm 2014, lỗ 8 tỉ đồng.
Cụ thể, trong danh sách các doanh nghiệp xăng dầu được yêu cầu kiểm tra bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec), Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro) và một số doanh nghệp khác.
“Nội dung kiểm tra là về doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với ngân sách từ chênh lệch thuế xuất nhập khẩu với mặt hàng ở các biểu thuế khác nhau hiện đang áp dụng”, nguồn tin trên tiết lộ.
Nhiều doanh nghiệp trong số này đã có những khoản lợi nhuận lớn trong năm 2015, đặc biệt là Petrolimex. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn này, riêng khoản lợi nhuận kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đạt 1.990 tỉ đồng trong năm 2015.
Trong một động thái cùng thời gian này, Tổng cục Hải quan cũng vừa yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra tình hình hưởng ưu đãi theo C/O theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có bổ sung mặt hàng xăng dầu form VK theo VKFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc) vào đối tượng kiểm tra. Cụ thể, các Cục Hải quan địa phương được yêu cầu bổ sung vào nội dung báo cáo số liệu hàng tháng các hoạt động nhập khẩu xăng dầu theo form VK được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Thông tư 201/2015/TT-BTC ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện VKFTA giai đoạn 2015- 2018.
Đáng chú ý, ngày 14/3, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu. Trong văn bản này, Bộ Công thương cho rằng, hiện nay, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các nước đã ký FTA với Việt Nam đã được thực hiện theo lộ trình cam kết dẫn đến chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu nhập từ các nước khác nhau.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có công văn đê nghị Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
“Cần sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa vệc giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã ký trong các FTA trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng khác”, Bộ Công thương đề nghị.
Cuối ngày hôm qua (15/3), trước sức nóng của thông tin trên báo chí, Bộ Tài chính cũng đã ra thông cáo báo chí thừa nhận có những bất cập, chênh lệch trong giá cơ sở để tính giá xăng dầu bán lẻ.
“Theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN; do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới”, Người phát ngôn của Bộ Tài chính cho biết.
Bộ này cũng cho biết thêm, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.
Được biết, trong năm 2015, tổng nguồn thu thuế nhập khẩu xăng dầu vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 35.000 tỉ đồng tính trên mức thuế chung là 20% với số xăng dầu nhập khẩu nhập khẩu. Cuối năm 2015, sau khi tính toán lại, ngành thuế và hải quan đã đồng ý cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được hoàn khoảng 3.500 tỉ đồng tiền chênh lệch khi áp thuế nhập khẩu với số xăng dầu được doanh nghiệp nhập khẩu theo form D (xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và những nước có ưu đãi thuế đã ký với Việt Nam). Nhưng thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn hết số tiền chênh lệch này với số tiền chưa được hoàn lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2015, cả nước tiêu thụ 8,33 triệu tấn dầu diezen thì trong đó, có tới 4,42 triệu tấn dầu diesel nhập từ ASEAN, chiếm 53,06% tổng sản lượng dầu tiêu thụ cả nước. Lượng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN chiếm 30% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong năm 2015.