Siêu thị có thể được bán một số loại thuốc

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, trước đó, một số ý kiến đã đề nghị nên cho phép siêu thị bán một số loại thuốc thông thường như các nước trên thế giới đang làm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng, cho phép bán một số thuốc theo danh mục hạn chế tại kệ thuốc của siêu thị và các cơ sở kinh doanh khác, nếu đáp ứng được yêu cầu về nhân sự và điều kiện bảo quản thuốc.

50% thuốc bán qua mạng là thuốc giả

Về đề nghị bổ sung hình thức kinh doanh thuốc qua mạng trong dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, qua thống kê của một số tổ chức quốc tế, có đến 90% thuốc kinh doanh qua mạng là bất hợp pháp và 50% thuốc bán qua mạng là thuốc giả.

Do vậy, trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận với thuốc tốt, chỉ nên quy định cho phép bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và chưa nên cho phép kinh doanh thuốc qua mạng, bà Mai nói.

Nhiều vấn đề khác liên quan đến kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Theo đó, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở nhà thuốc, quầy thuốc phục vụ ban đêm và giao trách nhiệm cho sở y tế chỉ định các cơ sở trực bán thuốc từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu cho rằng quy định này không  khả thi vì địa phương cũng không thể đảm bảo an ninh cho các cơ sở này. Hơn nữa, những người có nhu cầu sử dụng thuốc sau 22h là có vấn đề về sức khoẻ nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

Báo cáo tiếp thu giải trình nêu rõ, để tiếp tục nâng cao chất lượng của các cơ sở kinh doanh dược, dự thảo luật quy định hình thức kinh doanh là “quầy thuốc” để dần thay thế cho hình thức “đại lý bán lẻ” với những điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất tốt hơn. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay còn rất ít đại lý bán lẻ thuốc của doanh nghiệp còn hoạt động, do đó, dự thảo luật không quy định hình thức kinh doanh là “đại lý bán lẻ thuốc”.

Hai phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược

Bên cạnh các nội dung nêu trên, chứng chỉ hành nghề dược cũng là vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết, hiện có hai loại ý kiến về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, đó là cấp có thời hạn 5 năm và cấp một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giớicũng quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề dược. 

Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp một lần gắn với biện pháp hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề, sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay. 

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn trình hai phương án cấp một lần và cấp có thời hạn 5 năm, sau đó sẽ quyết định theo đa số.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp.HCM), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số vị đại biểu khác thể hiện sự đồng tình với phương án một.
 
Bình luận của bạn